Nước Nhật không chỉ nổi tiếng nhờ môn võ Judo hay máy thu hình hiệu Sony. Nhiều người biết đến nước Nhật không chỉ qua hình ảnh hùng vĩ của ngọn núi Phú Sĩ hay phong cách triết học của trà đạo thâm trầm, mà còn nhờ cái tên của một bậc thầy về dinh dưỡng, Oshawa, người phát kiến phương pháp phòng bệnh với gạo lức muối mè, đơn giản mà hiệu quả.
Nếu dùng trang báo để nói dông dài về giá trị dinh dưỡng của hạt gạo thì đúng là lãng phí thời giờ của độc giả khi chén cơm đã và đang gắn liền với lịch sử sinh tồn của con người trên 2/3 mặt địa cầu. Nhờ tỷ lệ hài hòa giữa ba thành phần sinh tố, khoáng tố và chất xơ mà gạo là món ăn lý tưởng vì vừa cung cấp năng lượng cấp thời nhưng không gây béo phì, vừa bổ sung nguồn dự trữ dưỡng chất nhưng không tăng chất mỡ trong máu. Khéo hơn nữa là nhờ chất xơ mà ăn cơm không bị khó tiêu.
Ấy thế mà có dạo hạt gạo có lẽ vì quá hiền hòa nên đã bị lên án là có chứa hoạt chất sinh ung thư!, do các nhà nghiên cứu bằm nhuyễn hạt gạo đã được chà quá trắng và kết luận một cách phiến diện từ thói quen coi trọng dữ liệu thực nghiệm hơn kết quả trên thực tế, khi hầu như toàn bộ hoạt chất của hạt gạo có tác dụng trung hòa độc chất nội sinh cũng như ngoại lai lại núp kín trong lớp vỏ lụa. Cũng vì tiến bộ kỹ thuật, nói cụ thể hơn là từ khi có nhà máy xay gạo, hạt gạo tuy có bề ngoài trắng hơn, bóng hơn, đẹp hơn nhưng mặt khác lại đánh mất nhiều hoạt chất để cám, nguồn cung cấp sinh và khoáng tố, trở thành món ăn của… gia súc! Hầu như ai cũng hiểu là gạo càng trắng càng không còn có ích cho sức khỏe, nhưng gạo trắng vẫn cao giá hơn gạo lức! Nhưng điểm đáng nói hơn nhiều là không ít bệnh lý trở thành nghiêm trọng từ khi chén cơm gạo trắng có mặt quá thường trên bàn ăn. Do thiếu chất xúc tác biến dưỡng trong vỏ lụa của hạt gạo mà chất đường, chất mỡ trong khẩu phần đơn điệu có đủ điều kiện để trở thành đòn bẩy cho bệnh biến dưỡng, xơ vữa mạch máu, bệnh thoái hóa ác tính… Ai đó đã không quá lời khi nghi ngờ gạo trắng công nghệ là một trong các yếu tố dẫn đến nhiều căn bệnh “thời đại”.
Nhưng nếu chỉ vì thế mà vội vã xoay lưng với hạt gạo thì quá đáng. Ngay cả ở châu Âu, nơi cơm không là món ăn chiếm ưu thế, nhiều thầy thuốc đã từ lâu kêu gọi người tiêu dùng nên có trở về với thiên nhiên, trở về với các món ăn chế biến từ hột gạo còn nguyên vỏ lụa. Lý do rất đơn giản. Bên cạnh tập thể sinh tố B1, B2, B3, B5, E và tiền sinh tố A cũng như các khoáng tố sắt, magnê, phosphor, kẽm, vôi… cần thiết cho hoạt động tối ưu của hệ thống miễn nhiễm, hoạt chất trong vỏ lụa của hột gạo với tác dụng trung hòa độc chất oyx-hóa trong môi trường ô nhiễm, chính là lợi thế của hạt gạo. Đó chính là điểm khéo của Oshawa khi xây dựng phương pháp phòng và trị bệnh bằng gạo lức muối mè. Khéo hơn nữa là nhờ phần “lức” mà “muối” trong mè tuy mặn nhưng không làm tăng huyết áp để người cao tuổi có thể yên tâm áp dụng cho dù đã có vấn để với huyết áp hay mạch máu vành tim.
Nhưng chuyện gì cũng có hai mặt tương đối. Khoa học muốn đúng nghĩa phải nói có sách, mách phải có chứng. Một mặt, số người đang và sẽ tiếp tục hài lòng với phương pháp dinh dưỡng theo Oshawa là dẫn chứng cho hiệu quả của phương pháp này. Nhưng ngược lại, muốn có hiệu năng như mong muốn cần áp dụng đúng chỉ định và với tri thức y học, nghĩa là không thể vì cường điệu mà bỏ qua vai trò không thể thay thế của thầy thuốc. Tốt hơn nữa là nếu may mắn tìm được thầy thuốc hiểu rõ ưu điểm cũng như mặt yếu của phương pháp gạo lức muối mè theo Oshawa. Để sống khỏe mạnh, không nhất thiết phải mỗi ngày quanh quẩn với chén cơm gạo lức muối mè. Giải độc là đúng nhưng không cần giải độc trường kỳ. Trong nhiều trường hợp, thỉnh thoảng vài ngày, nếu không trong tuần thì trong tháng, cũng được rồi. Hơn thế nữa, chỉ giải độc cho cơ thể mà quên tăng cường dưỡng chất khác cần thiết cho tiến trình phục hồi là một thiếu sót nghiêm trọng. Thêm vào đó, đừng quên theo dõi bệnh tình bằng tiêu chí khách quan như xét nghiệm sinh hóa, siêu âm… Trong y học cần niềm tin nhưng không đánh quá kết quả bằng niềm tin mà với dẫn chứng cụ thể.
Ăn cơm gạo lức muối mè cũng tương tự như người hiểu cách chơi chứng khoán. Ra tay đúng lúc thì vốn ít mà lãi vẫn cao.
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.
Có qua có lại mới toại lòng nhau
Không hẳn bệnh nào cũng do bội nhiễm, mặc dầu môi trường sinh hoạt ở nhiều nơi trên nước mình thừa sức lãnh huy chương vàng về ô nhiễm. Tuy vậy, không ít thầy thuốc vẫn có thói quen, hay nói đúng hơn cho dù có phật ý nhiều đồng nghiệp, vẫn giữ “phản xạ có điều kiện” theo kiểu cứ hễ biên toa thì cho thuốc kháng sinh nào đó. Hậu quả là không ít bệnh nhân lãnh đủ, phần vì phản ứng phụ, phần vì thuốc mau lờn, trong khi “tiền thầy lỡ bỏ túi”!
Nếu không biết “thầy còn nhớ hay thầy đã quên” chỉ còn mong trò có đủ can đảm nhắc thầy giữ sao cho đúng đạo làm thầy… thuốc! Muốn bảo vệ bản thân trước tình trạng lờn thuốc do lạm dụng thuốc kháng sinh, người bệnh cần lưu ý một số biện pháp như:
-Hỏi nhỏ thầy về mức độ bội nhiễm để qua đó nhắc khéo thầy vui lòng rà lại xem căn bệnh có thật sự do vi khuẩn?!, hay chỉ vì cảm giác chủ quan của thầy?, thay vì ngoan ngoãn chấp nhận toa thuốc với tên thuốc kháng sinh dường như đã được viết sẵn, hay thậm chí in sẵn để thầy thuốc đỡ mất giờ trong lúc biên toa!
-Can đảm thảo luận với thầy thuốc về phản ứng phụ của thuốc cũng như giải pháp thay thế trong trường hợp cơ thể không dung nạp thuốc, thay vì cắn răng nuốt thuốc cho vui lòng thầy!
-Báo ngay cho thầy thuốc nếu đã từng dị ứng với loại thuốc kháng sinh nào đó. Nên viết rõ tên thuốc đã gây dị ứng và cất kỹ đâu đó trong túi. Đừng quên, phản ứng do dị ứng thuốc một khi tái phát bao giờ cũng trầm trọng hơn lần đầu.
-Kể cho thầy thuốc tất cả các loại thuốc khác đang dùng để tránh trường hợp tương tác bất lợi. Nên nhớ nằm lòng là thuốc nào cũng có thể trở thành thuốc… độc!, nếu sai liều lượng, hay vì thuốc bất ngờ thay đổi cấu trúc do tiếp xúc với tác chất khác trong dược phẩm, thực phẩm…
-Nếu thầy thuốc thuộc nhóm “ít nói” thì tìm cách tham vấn dược sĩ nơi mua thuốc để biết cách giảm thiểu hay phòng ngừa phản ứng phụ của loại thuốc kháng sinh được biên toa. Nếu dược sĩ cũng chọn thái độ “im lặng là vàng” thì cách tốt nhất không là “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, vì tờ bướm trong hộp thuốc ít khi được trình bày dễ hiểu cho người tiêu dùng!, mà là tìm ngay… nhà thuốc khác!
-Thông tin rõ ràng cho thầy thuốc nếu trước đó vừa cư trú ở một nơi xa lạ để thầy thuốc lưu ý đến vai trò của yếu tố dịch tể trong phác đồ điều trị.
-Dùng thuốc đúng liều lượng và liệu trình theo sát y lệnh của thầy thuốc. Đừng tự ý ngưng thuốc cho dù bệnh thuyên giảm thấy rõ. Cũng đừng dùng toa cũ mà mua thuốc mới để tự điều trị ngay cả khi bệnh chứng giống y lần trước. Càng không nên vì lòng tốt mà phổ biến toa thuốc kháng sinh cho láng giềng hay thân hữu vì bệnh có thể tương tự nhưng do nhiều nguyên nhân khác biệt.
Lý thuyết bao giờ cũng khác xa thực tế. Nhắc bệnh nhân hỏi thầy thuốc là chuyện quá dễ. Khó hơn nhiều là liệu bệnh nhân có được phép hỏi, hay tệ hơn nữa, có dám đánh bạo đặt vấn đề?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét