Michael K. còn ko có nổi cái tên đầy đủ cho một cuộc đời.
Sau Tuổi sắt đá, Coetzee lại làm tôi ngộp thở.
Michael K. sinh ra đã bị trùm lên cuộc đời nỗi xấu hổ của mẹ anh, Anna K. Nỗi xấu hổ có đứa con tật nguyền đã ngăn cản Anna yêu thương anh. Bà rời xa anh, để anh lại trong trại dành cho những đứa trẻ “kiểu của anh”.
Khi mẹ sắp mất, Michael đã làm một chiếc xe đẩy, quyết tâm đưa mẹ về Prince Albert – cái địa danh đầu tiên nảy ra trong trái tim bà những ngày cuối đời.
Con đường tới đó là con đường xuyên qua cuộc chiến tranh. Chỉ một đêm nào đó, họ sẽ thấy bom nổ. Trong một đêm khác nữa, người ta ném họ quay về nơi cũ. Michael K. vẫn kiên tâm với cái vùng đất Prince Albert mờ ảo trong tâm trí mẹ mình, quyết phải đưa bà đến nơi bà ao ước – cho ngày cuối đời.
Anna K. đã chết khi chưa về đến nơi giữ “những năm hạnh phúc nhất của đời bà, một thời sôi nổi và sung túc. Bà nhớ lúc ngồi trên nền sân nuôi gà vịt trong lúc đàn gà kêu cục cục và bới đất; nhớ lúc nhặt trứng dưới bụi cây. Nằm trên giường trong căn phòng thiếu không khí của bà suốt những buổi chiều đông, mưa rơi trên các bậc bên ngoài..”
Bà chết trên chiếc xe đẩy cút kít nặng trịch của Michael K. trong những giờ khủng khiếp chạy đua với những hàng rào quân lính, bom đạn và cả sự ngăn sông cấm chợ. Michael đi tìm quê hương cho người mẹ đã bỏ rơi anh. Tình yêu của đứa con thuần khiết vậy thôi. Người ta thiêu bà thành 1 hộp tro và giao cho Michael K.
Từ đó, con đường trở về Prince Albert trở thành mục tiêu duy nhất trong bộ não đơn giản của anh. Anh muốn về đến đó, tìm nơi mẹ anh tả trong kí ức, rải tro của mẹ theo dòng suối trên đồi cao.
Trong cuộc chiến tranh rồ rồ dại dại và lừa dối ngoài kia, Michael K đem theo giấc mơ hồn nhiên, rải tro của mẹ xuống đất, nằm nghe những hạt mầm tách vỏ, nảy thành bí ngô, mọc rễ vào đất….
Michael chẳng cần ai, chẳng cần ăn, chẳng cần sạch, chỉ cần sống tối giản như cỏ cây, ăn không khí, côn trùng và rễ cây để sống, để cảm thấy cuộc sống hồn nhiên và giản đơn trôi qua trong tự do.
Hết những kẻ lừa lọc, đến những tên lính ném anh ta vào trại của lũ người bần cùng, đòi anh khai ra những kẻ đồng chí đào tẩu, đánh đập và cướp bí ngô của anh, và kéo anh ra khỏi vùng đất của bí ngô, hạt mầm, dòng suối và tiếng hát của sự sống trong đêm. Họ dẫm đạp lên cây non, thu sạch bí ngô và phá hủy cả ước mơ hồn nhiên của K.
“Niềm vui sâu xa nhất của anh là lúc hoàng hôn, lúe anh mở vòi trên thành đập và ngắm nhìn dòng nước chảy xuống các rãnh làm đất ướt đẫm, biến nó từ màu nâu vàng thành màu nâu thẫm. Vì mình là người làm vườn, vì đấy là bản tính tự nhiên của mình, anh nghĩ.”
“Nhiều lần, đặc biệt về buổi sáng, sự hoan hỉ lan khắp người khi anh nghĩ rằng anh, một người lẻ loi và không ai biết, đang làm cho nông trại tiêu điều này nở hoa.”
“Anh nghĩ đến những chiếc lá bí ngô đang xuyên qua đất. Ngày mai sẽ là ngày cuối cùng của chúng, anh nghĩ: ngày kia chúng sẽ héo rũ, và ngày tiếp đó chúng sẽ chết, trong lúc mình đã thoát ra đây, ở vùng núi này. Nếu mình khởi hành lúc mặt trời mọc và chạy suốt ngày, mình sẽ cứu chúng không đến nỗi muộn quá, chúng và các hạt giông khác sắp chết dưới mặt đất, dù chúng không biết rằng chúng sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời. Giữa anh và mảnh đất nhỏ cạnh đập có một sợi dây ràng buộc mỏng manh, và phải cắt đứt nó đi. Hình như với anh, chẳng ai có thể cắt đứt một sợi dây kiểu như thế, vì phải nhiều lần mới làm chúng không mọc lại được nữa.”
Nhiều lần trong suốt quyển truyện, người ta có thể cảm thấy K đau đớn biết bao khi nhận ra các hạt mầm chết, dây leo héo húa và chết trong cô đơn trên đồi cao. Nhưng cứ như là tự nhiên vậy, cuộc chiến tranh ở đó đá vào K, đánh báng súng vào người K, ném K vào trại, vứt anh ra khỏi cái thực tại yên ổn và dễ chịu biết bao nhiêu của cây cỏ và bình yên. K không có quyền gì để vui vẻ trong một thế giới đầy bắn giết. Như thế có vẻ không công bằng….
Đến cuối truyện, K mất hết tuổi trẻ, mất sạch sức lực, mất tất cả giấc mơ, chỉ còn lại hình ảnh hiếm hoi và mạnh mẽ nhất mà anh lưu giữ ở đáy tâm hồn:
“Anh nghĩ đến nông trại, đến những bụi gai xam xám, mảnh đất lổn nhổn những đá, một vòng những quả đồi, những ngọn núi xa xa màu hồỊig .yà mầu tía, bầu trời rộng lớn, trông trải và xanh biếc, mặt đất xám và nâu dưới ánh mặt trồi, và rải rác đây đó, nếu nhìn thật kỹ bạn sẽ thấy một đám màu xanh lá cây đầy sức sống, lá bí ngô hoặc bụi cà rốt.”
Không có cuộc chiến nào ở đó cả. Tâm trí K là một thực thể bình yên tuyệt đối trước cuộc chém giết ngu xuẩn ngoài kia. Người ta thì tốn biết bao ngôn từ để la hét và tiêu giệt nhau cho cái thế giới hoàn hảo của họ. K chỉ có một thực tại – đơn côi và dịu dàng như một anh thợ làm vườn….
(Sau khi đọc “Cuộc sống và thời đại của Michael K.” – Coetzee)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét