Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Vì sao phải giữ cái eo?


 

Nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây thầy thuốc nào cũng rõ về tác hại của béo phì trong nhiều bệnh chứng nghiêm trọng, từ cao huyết áp bước qua thoái hóa cột sống thậm chí cho đến ung thư! Hiện không còn ai nghi ngờ về mối liên hệ giữa béo phì và tỷ lệ tử vong vì nhồi máu cơ tim, hôn mê do tiểu đường, bại liệt do tai biến mạch máu não… Thậm chí, theo nhiều nhà nghiên cứu về bệnh tâm thể, không ít bệnh nhân trầm uất chẳng qua vì thừa da thừa thịt mà không thể giảm cân dù đã thử đủ cách!

Không nói đến chuyện đẹp xấu vì thân hình từa tựa quả trứng đứng thẳng, nhiều người bó buộc phải giảm cân cho bằng được để bớt gánh nặng cho con tim, lá gan, trái thận… vì suy tim, viêm gan, viêm thận. Tất nhiên không nên vì thế mà bi thảm hóa vấn đề đến độ sợ mập hơn sợ… ma! Trước hết, muốn biết thực sự có dư cân hay béo phì phải xem tỷ lệ giữa chiều cao và trọng lượng. Đơn giản để dễ nhớ có thể dùng cách như sau:
-Trọng lượng tối đa của mỗi cá nhân không nên vượt quá hai số sau của chiều cao. Thí dụ: người cao 1m60 không nên nặng hơn 60kg.
-Trọng lượng tối thiểu của mỗi cá nhân không nên ít hơn trọng lượng tối đa trừ 10. Thí dụ: người cao 1m60 có trọng lượng tối đa là 60kg thì không nên nhẹ hơn 60–10= 50kg.
Như thế trọng lượng lý tưởng của một người cao 1m60 dao động trong khoảng 51-60 Kg. nếu được khoảng giữa, khoảng 55kg là tốt nhất. Nhiều bà, nhiều cô đang kiêng cữ ác liệt vì quả quyết mình dư cân mặc dầu thể trọng vẫn trong định mức bình thường. Hậu quả là nạn nhân có giảm cân hay không chưa biết, nhưng thường thì… thiếu máu vì bỏ tiền để suy dinh dưỡng!
Vấn đề lại không chỉ có thế. Nếu tưởng chỉ cần lưu ý đến trọng lượng thì lầm. Theo báo cáo mới nhất của các nhà nghiên cứu ở Postdam, sau khi khảo sát 350.000 trường hợp qua một công trình khảo sát kéo dài 5 năm, vùng bụng thậm chí quan trọng hơn sức nặng. Bằng chứng là số người không béo phì nhưng có vòng số 2 vượt quá định mức bình thường (đàn bà đừng quá 80, đàn ông đừng quá 100) tử vong vì bệnh tim mạch thậm chí cao gấp đôi số nạn nhân mập mạp! Hơn thế nữa, người có vùng bụng quá căng, cho dù không dư cân, rõ ràng là đối tượng dễ bị bệnh tim mạch và ung thư hơn người béo cả toàn thân. Ngay cả tiến trình phục hồi sau cơn đột quỵ cũng gặp nhiều khó khăn ở người có vùng số 2 trái ngược với kích thước của người mẫu. Theo các nhà nghiên cứu, không hẳn lượng mỡ trong máu mà lượng mỡ đóng ở thành bụng mới là thành phần phá hoại đáng sợ!
Thêm một điểm lưu ý cho nhiều người xứ mình. Cũng theo các chuyên gia về biến dưỡng chất béo ở Postdam, thói quen ăn quá nhanh là một trong các lý do gây rối loạn biến dưỡng chất béo với hiện tượng khó hiểu là mỡ tập trung nhiều hơn ở thành bụng. Tình trạng này rõ nét ở phụ nữ hơn đàn ông dù là hậu quả cuối cùng vẫn như nhau vì ông hay bà đều vô phòng cấp cứu!
Như thế, nếu có đến thầy thuốc thì bên cạnh huyết áp, đường huyết, trọng lượng, chiều cao…, đừng quên đo thêm vùng bụng. Không vì sợ xấu, cũng không để may quần cho vừa, mà để thầy thuốc kịp thời cho thuốc điều chỉnh rối loạn biến dưỡng chất béo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét