Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Bụng không vô cớ lại đầy hơi!


Trong khung ruột bao giờ cũng phải có hơi từ phản ứng lên men phế phẩm dưới bàn tay thúc đẩy của tập đoàn vi khuẩn, nấm mốc sống chực chờ thường trực trong lòng ruột. Nhờ có hơi mà ruột có độ căng vừa phải, độ căng thích hợp cho nhu động hòa hoãn của ruột già để phân nhờ đó được thải ra ngoài với số lượng và tiến độ khiến gia chủ thở phào nhẹ nhõm sau phút lên ngôi không có quần thần.
Nhưng chuyện gì cũng có giới hạn. Thiếu hơi đương nhiên không xong vì táo bón không mời cũng đến, Nhưng quá thừa hơi cũng tai hại không kém vì vừa khổ thân gia chủ với cảm giác khó tiêu, chướng bụng, đầy hơi…, vừa gây trì trệ tiến trình tiêu hóa rồi dẫn đến rối loạn biến dưỡng. Tất nhiên chuyện gì cũng có lý do. Tùy theo bên địch, bên vi sinh có hại, hay bên ta, bên vi sinh hữu ích, bên nào mạnh hơn mà lượng khí thải trong lòng ruột thừa thải đến độ ứ đọng, hay vừa đủ để… xả hơi!

 


Thông thường, đầy hơi ít khi xảy ra nếu không có bệnh trên đường tiêu hóa, nếu gia chủ có chế độ dinh dưỡng cân đối, nghĩa là không thiếu nước, không thiếu chất xơ, cũng như nếu không vì thuốc kháng sinh khiến vi sinh phe ta bị diệt hàng loạt. Hơn nữa, phần lớn hơi trong khung ruột nếu đừng ứ đọng trong đó quá lâu, được hấp thu vào máu rồi sau đó được thải ra ngoài qua đường hô hấp. Nói thế có nghĩa là cơ thể chắc chắn không vui gì nếu hơi được đưa vào máu là hơi độc tích lũy trong khung ruột!
Đáng nói là ngay cả ở người khỏe mạnh, đầy hơi vẫn có thể xuất hiện rất thường nếu đối tượng dị ứng với thực phẩm nào đó mà không biết, thường gặp nhất với chất đường trong sữa và sản phẩm từ sữa khiến nạn nhân lưỡng đầu thọ địch vì vừa đầy hơi vừa tiêu chảy! Cũng không hiếm trường hợp là do gia chủ quá mạnh miệng với rau cải khiến lượng chất xơ lọt vào khung ruột thay vì nên thuốc lại trở thành món khó tiêu! Tình trạng này càng dễ rõ nét hơn nữa với bụng căng trướng chẳng khác mang bầu, với hơi xả ra đúng mùi xú uế, nếu gia chủ quen tiêu thụ các món dễ sinh hơi như củ hành, cải chua, bắp cải, trứng gia cầm, đậu…
May mắn cho “người tiêu dùng” là giải pháp trong đa số trường hợp đầy hơi lại không quá phức tạp. Người theo “tây” có thể dùng thuốc chứa simethicon. Nếu trong thành phần thuốc có thêm chất điều chỉnh nhu động ruột càng hay. Người ưa “đông” có thể áp dụng các phương pháp dưới đây: Chườm nóng vùng bẹ sườn bên phải và vùng quanh rốn; Xoa đều vùng bụng theo chiều kim đồng hồ từ bẹ sườn bên phải sang trái, xuống dưới, sang phải rồi trở về điểm xuất phát cho đến khi ợ hơi! Uống từng ngụm nước nóng có ít lát gừng tươi hay vài giọt dầu bạc hà; Chiêu ngụm rượu vang trắng có ngâm thì là sau mỗi bữa ăn.
Trong mọi trường hợp đừng quên hai điều quan trọng nếu muốn đầy hơi đừng trở lại thăm viếng quá sớm. Đó là dùng trà atisô, hay bồ công anh, hay đại hồi 2 tuần liên tục sau mỗi bữa ăn bổ sung vi sinh đường ruột loại Acidobacillus hay Bifidum trong sữa chua, 1-2 lần trong ngày, cũng tối thiểu hai tuần liên tục.
Không nên xem thường đầy hơi. Không chỉ vì khó chịu cho mình và cho cả người lân cận. Đáng nói hơn nhiều là các loại hơi “độc” trong ruột là nguyên nhân dẫn đến dị ứng, đau đầu, mất ngủ… thậm chí ung thư! Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Điều gì cần bỏ nên bỏ cho sớm. Vấn vương chỉ lắm ưu phiền!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.
--------------------------------------

Ai dễ có sỏi trong túi mật?

 

Nếu ở 10 triệu người Đức, xứ có dân số tròm trèm với nước mình, đang là nạn nhân của tình trạng trong túi mật vướng vài viên sỏi thì không lạ gì nếu căn bệnh này đã từ nhiều năm lọt được vào danh sách “bệnh thời đại”! Nếu ở Đức, nơi chế độ dinh dưỡng để phòng bệnh đã từ nhiều chục năm được phổ biến cho người dân mà tỷ lệ mắc bệnh vẫn cao như thế thì số người khổ vì sỏi túi mật ở nước mình khó thấp hơn! Éo le chính ở chỗ nhiều người có bệnh nhưng không biết vì chỉ 20% có dấu hiệu đau vùng bẹ sườn phải. Nhiêu khê chính ở điểm càng gần tuổi về hưu càng dễ có sỏi nhưng số đối tượng chịu điều trị cho đến nơi đến chốn mặc dầu đã được phát hiện bệnh nhờ đợt khám sức khỏe nào đó vẫn là thiểu số! Hậu quả là cơn đau túi mật, viêm tắt đường dẫn mật đáng lý có thể phòng ngừa lại là lý do khiến nhiều người phải có lần đi nhờ xe… cấp cứu!
Bên cạnh yếu tố cơ tạng di truyền, bên cạnh tình trạng béo phì kéo dài khiến lượng cholesterol thừa thải có cơ hội quyện cùng tạp chất khác thành viên sỏi, có một số yếu tố đóng vai trò đòn bẩy khiến sỏi túi mật dễ thừa nước đục thả câu:
-Chế độ dinh dưỡng quá nhiều chất ngọt và chất béo trong khi gia chủ ít vận động.
-Thói quen ít ăn rau cải nên không đủ chất xơ trong đường tiêu hóa để kéo mỡ trong thực phẩm qua đường bài tiết.
-Khẩu phần quá đơn điệu và thiên về thực phẩm công nghệ nên cơ thể thiếu hụt các loại sinh tố cần thiết cho tiến trình thối biến chất béo như C, E, acid folic…
-Bệnh đường ruột không được điều trị đến nơi đến chốn.
-Viêm gan mãn tính.
-Tiểu đường với hậu quả tăng men gan do đường huyết không ổn định qua quá trình điều trị.
-Rối loạn chức năng tuyến giáp không được phát hiện.
Đáng tiếc vì sỏi túi mật là bệnh có thể phòng ngừa không quá khó nếu gia chủ đừng quên giải độc định kỳ cho cơ thể với các cây thuốc có công năng lợi mật, nhuận gan như Atixô, Bồ Công Anh, Rau Má… Người muốn mượn sức kháng bệnh từ thiên nhiên tuy vậy cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc, cũng như nên được khám siêu âm trước đó, để biết chắc là chưa có sỏi túi mật nhằm tránh trường hợp tăng tiết mật trong khi đường thoát bị kẹt.
Thêm một điểm lý thú theo quan điểm của thầy thuốc ngành y học cổ truyền. Cho dù có chế độ dinh dưỡng hoàn toàn hợp lý, sỏi túi mật vẫn có thể thành hình, thậm chí nhanh chân là khác, ở người thường xuyên giận dữ mà không có cơ hội xả xú bắp. Sỏi túi mật đúng là chuyện thực thể, nhưng đừng tưởng vì thế mà nghĩ nguyên nhân lúc nào cũng cụ thể. Nhiều khi ẩn ức tâm lý thừa sức sinh bệnh. Đã vậy bệnh lại khó chẩn đoán nếu như thầy thuốc chỉ nhìn bệnh nhân theo “thể” mà quên yếu tố “tâm”!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét