Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Mùa Rụng




Tiếng Mỹ gọi mùa thu là mùa Rụng (Fall). Người cho rằng thì là tại vì mùa này lá rụng. Chẳng những lá rụng mà trái rụng và cành cũng rụng luôn nếu gió to. Người khác bảo mùa này trời sụp tối nhanh (days fall short), rồi người  khác nữa giải thích về chuyển động của trái đất, mặt trời, mặt trăng, độ xiên của ánh sáng, độ dài của vân vân. Dĩ nhiên gọi mùa Thu, mùa Sụp hay mùa gì cũng được, nhưng chẳng thể nào hay bằng mùa Rụng.

Cuối tháng chín  táo rụng lai láng trên bãi cỏ hàng xóm. Đó là các loại táo mùa hè, chín sớm và rụng ào ào khi làn gió heo may đầu tiên thổi qua. Táo mùa đông vẫn còn chưa chín. (Đúng vậy, có các thứ táo hạ, táo thu, táo đông). Trong đám táo trồng ở xóm này, không có cây nào giống cây nào. Mỗi nhà trồng một hai cây, hoặc năm ba cây, tùy sở thích mà chọn giống. Trên thế giới có 7.500 giống táo khác nhau, mắc gì mình trồng có một cây mà lại chọn cái cây giống y cây bên nhà hàng xóm? Phải khác người chứ!

Nếu như ở Việt Nam nhà nào có miếng sân là trồng cây khế hoặc cây mít, ở đây quanh nhà thường trồng cây táo, lê, và mận. Ngôi nhà ở đầu đường gần như nằm khuất sau một vườn táo sum xuê, táo chín là chủ nhân treo lên cành cây một tấm bảng ghi mấy chữ “Free apples” để người qua lại tùy hỉ mà hái, khỏi cần xin phép. Vậy mà táo vẫn cứ chín đầy cành rồi rụng đầy sân. Trái lăn cả ra đường bị xe cán dẹp bép, rồi côn trùng bu tới, coi bộ mất vệ sinh, phải hốt dọn. Trồng một cây táo tưởng đâu chỉ cần đào cái hố chôn gốc cây xuống, rồi cây tự mọc và tự sống đời nó. Dè đâu hằng năm tới mùa trái rụng phải hốt dọn, rồi tới mùa lá rụng lại phải hốt dọn. Chưa hết, còn phải tỉa cành mé nhánh nữa, kẻo gió bẻ cành quăng trúng người ta phải bồi thường.

Vì vậy khi định trồng táo tôi cân nhắc dữ lắm, may mà sáng trí bất ngờ: trồng làm gì trong khi cả xóm chỗ nào cũng có táo “free”. Thế là cứ canh táo chín thì xách giỏ qua nhà hàng xóm. Đang loay hoay vin cành vói hái thì một ông già xuất hiện hỏi có cần mượn cái thang không? Nói chuyện vui vẻ một lúc, tôi nói buồn cười thiệt, ông không thích táo mà trồng cả một vườn táo. Ông gật gù, ừ buồn cười thiệt, tôi mua cái nhà đã có sẵn vườn táo, biết làm sao? Ông giữ lại vườn táo chỉ để ngắm hoa táo nở rộ vào tháng tư, và ngắm hoa rơi sau đó. Trái táo là một “hệ lụy” mà ông rất vui mừng khi thấy tôi đến “giải quyết” giúp.

Hái một đống táo về làm gì? Ăn. Đủ kiểu. Ăn tươi thì có món táo trộn rau sống, táo làm gỏi chua ngọt, táo ướp mật ong, táo dầm sữa chua, táo xay sinh tố, táo ép nước tươi. Hồi dạy học ở Cao Lãnh  thấy người ta chế biến đủ món với trái xoài xanh và trái xoài mới chín hườm hườm, bây giờ tôi vừa nhớ lại vừa sáng tạo thêm, chế ra đủ thứ, kể cả táo dầm nước mắm. À, để chi tiết hóa chỗ này. Táo nhập vô xứ mình  chủ yếu là táo thương mại, thời gian vận chuyển tồn kho và bày bán cộng lại có thể từ một đến sáu tháng hoặc cả năm. Trái táo đó có vị rất khác trái táo (loại Gravestein) sắp chín và mới hái trên cây xuống. Táo này xắt lát chấm nước mắm đường (có dầm trái ớt hiểm) ăn mà hít hà nhớ xoài tượng sống, ban đầu ăn đỡ ghiền, ăn riết thấy còn ngon hơn cả xoài tượng. Tôi chỉ chưa thử ăn táo với mắm ruốc.

Mỗi ngày ăn một trái táo thì bác sĩ xin kiếu, nghĩa là ăn táo rất tốt cho sức khỏe. Nhưng dẫu mỗi ngày ăn hai trái táo thì cũng không thể hết đống táo hái từ năm sáu cây táo của nhà hàng xóm. Phần lớn đám táo Gravelstein được nấu lên làm mứt (apple sauce). Ông bạn già ở chung nhà với tôi chỉ ăn một món duy nhứt trong bữa điểm tâm: bánh mì nướng quết mứt táo. Quanh năm. Nên tôi làm cho mấy nồi mứt khổng lồ, đựng trong những hộp đông lạnh để ăn từ từ. Mứt táo dễ làm lắm: táo bỏ hột nấu chín, đánh nhuyễn, cho chút bột quế thơm thơm, là xong! Trời thu lành lạnh không gì ngon hơn làm mứt: mùi mứt ấm áp ngạt ngào thoang thoảng khắp nhà.   

Đó là phần cho ông chồng. Phần cho tôi là táo sấy. Làm món này hơi cực, phải xắt lát trái táo sau khi khoét bỏ hột, mà phải xắt sao cho bằng nhau, kẻo miếng dày miếng mỏng khó sấy khô đều. Xắt xong thì xếp lên vĩ (một lớp thôi) cho vô lò sấy nhiệt độ thấp (khoảng 50 độ C) cỡ 8 tiếng đồng hồ. Miếng táo sấy khô queo cho vô hủ đậy nắp kín có thể giữ được mấy tháng, giúp tôi cầm cự qua mùa đông. Chẳng là mùa đông buồn miệng ưa nhai nhóp nhép, nhai táo sấy đỡ béo phì hơn khoai tây chiên! 

Thanh toán xong đống táo thì ô hay ngoài vườn lá bắt đầu rụng. Chỉ bữa trước bữa sau mà nhiệt độ rớt một cái èo, xuống dưới 10 độ C, lá nhanh chóng đổi màu, thậm chí chưa kịp nâu, đã thi nhau rụng. Thế là dẹp hết nồi chảo, lò sấy, keo hủ, khoác áo quàng khăn đi chơi. Chơi gì? Ra khỏi nhà một đoạn là gặp đường mòn, theo đó đi qua công viên nhìn trẻ con chơi cầu tuột, xích đu, rồi đi tiếp qua khu rừng nhỏ, dọc theo một con suối, tới một cái thác , đi nữa sẽ tới một cái hồ.  Tới đó thì hối hả quay về, chân khua lá khô lạo xạo, thỉnh thoảng chạy cho ấm lên, gió rít qua những cành cây khô thiệt là ớn óc.

Cuối cùng về tới nhà tai mũi lạnh cóng, bèn mở ngay vòi nước nóng gần đầy bồn tắm, rồi thả người vô, thả lỏng toàn thân, mắt nhắm lại. Đó là cái khoái nhứt trong mùa Rụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét