Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Đường ra

8-2012



Tiếp tục nhật ký Quảng Trị hè 1972
—từ Vĩnh Linh ra Hà Nội

15/8 Mỹ Thủy Quảng Bình
Từ Quảng Bình về Hà Nội, ít ra sẽ mất 15 ngày. Bằng thời gian một đoàn nhà văn VN được Hội các nước Đông Âu mời sang thăm rồi quay về.
1964-1972, tám năm chiến tranh, cái cảm giác chính của mọi người là mệt mỏi. Đất nước nghèo quá. Nhà cửa thấp lè tè, đồng áng xơ xác.



Chiến tranh là một cuộc xô đẩy tất cả, xô đẩy cho đến đứt gốc đứt rễ. Tuy nhiên, mọi sự lộn nhoèo cũng đã loáng thoáng khuôn lại thành những nền nếp, tạm gọi là ổn định trong cái đại cục không ổn định. Nhiều gia đình ở Quảng Bình có thêm một nếp nhà hầm góc vườn. Có khi là hậu cứ bộ đội.
Nhà dân rặt đồ quân trang quân dụng, mọi thứ như đã trở thành bão hoà.
Người ta cần nhân dân để làm môi trường sống cho quân đội, chứ không phải là một nhân dân sản xuất bình thường.
Việc làm ăn có đi lên chút ít. Một HTX, “hợp” Mỹ Lộc An Thuỷ có 6 máy kéo (4 bánh lồng) 3 máy bơm. Mỗi đội 1 máy tuốt lúa. Nông nghiệp 8 đại trà 2 năm. Năng suất chiêm 1972: 32 tạ/1ha (Trân châu lùn 35 tạ) Nông nghiệp 8 rải vụ nếu có gặt muộn, lúa cũng không rã.
16/8
Lệ Thuỷ. Phải cái huyện mà Nguyễn Minh Châu nói trong Tuổi trẻ cầm súng? Người Quảng Bình đi chiến đấu như đi làm một công việc của gia đình mình. Ông chủ nhà tôi nói ở đây 17, 18 mà không đi bộ đội, là nhấp nhổm không sao yên lòng được.
Con ông về qua nhà. Đi bộ đội, anh chàng không thích vào báo vụ, chỉ thích đi đánh nhau. Từ Yên Thành vào, bom đạn đánh dọc đường, cán bộ hy sinh, cậu ta chỉ được về qua nhà chốc lát, nhưng vẫn hăng. Úi giời, một thằng cùng đi với tôi, hắn chui vào hầm không chịu lên. Thò hai cái chân ra ngoài. Nghe lục xục, hắn tưởng còn máy bay, nhất định không ra. Những chuyện đầu tiên của anh ta là như vậy.
Bà mẹ thấy con về bảo tổ cha mi, không gửi thư về. Cô con gái khẽ dừng sàng sàng thóc, mắt ngước lên, nhìn chung quanh ra hiệu rằng anh về, rồi lại cúi xuống làm việc.
Nhưng rồi cả cái bộ máy gia đình âm thầm chuyển vận, theo cái nhịp của người con trai trở về.

Một khí cụ hiện đại: máy bay phản lực. Sự xa cách giữa hình và âm thanh giữa ánh sáng và tiếng động. Là chuyện gì vậy?
Đặc sản Quảng Bình, những xe trâu bánh rất to. Như bánh những guồng nước lớn, bánh cao ngang đầu người. Cong thành đòn, hai trâu gánh đầu đòn.
Một ông đội trưởng ở An Thuỷ kể mấy năm mới có chiến tranh, ngoài đồng rất an toàn. Mọi người chỉ có việc sản xuất, nên thu hoạch khá. Mấy năm nay, người đi thăm bà con, người làm nhà..., sản xuất lại đâm kém.

Hành quân trên đường giao liên
Đêm đêm, không gian đất nước bị đánh mất. Lúc nào máy bay địch cũng rập rình đánh xuống đầu chúng ta. Nhưng cũng đêm đêm, đất nước được lấy lại, khi người ta vượt được một đoạn đường, đưa qua một chuyến hàng.
Nhờ một ánh sao đêm, rất xa, nhưng là vì rất sáng, nên vẫn cảm thấy lờ mờ bóng người trên mặt đất.
Hành quân, lính vào ngồi trên võng, thấy lính ra, nheo nhéo gọi. Đồng hương ở đâu đấy các ông ơi, có người Nghệ An không? Như một thứ rao hàng, nhắc rằng mình ở đâu vậy.
Chiều trên sông Long Đại, chờ đò. Những chiếc thuyền rất dài, người lái đứng ở trên mũi, thuyền veo vẻo đi, cái dáng, cái cử động thoăn thoắt. Một cậu nói đùa—không biết có đúng không-- y như trên những cái trống đồng Đông Sơn ( tỉ lệ khoảng cách những người chèo, tư thế chèo, cái dáng chèo).
Quá khứ, sự giống quá khứ. Tôi cười nhạo cái ý nghĩ vu vơ của mình. Lúc này nó vô tích sự.
Một người lính khái quát:
-- Tố Hữu bảo Bắp chân đầu gối vẫn săn gân. Đằng này bây giờ mọi thứ mình như là một miếng thịt thối thế này, thì còn được việc gì nữa.
Những con đường Quảng Bình. Nhan nhản những cái hố rất nhỏ, đút vừa một cái sanh, một cái nồi.
Lo nhiều hầm hố thế này, thì còn làm ăn sản xuất bằng cách nào. Chẳng lẽ cuộc sống chỉ còn thu vào việc tự bảo vệ mình, loanh quanh dọn nhà, phòng tránh v..v.. Có nên gọi đó là cuộc sống? Tôi hay tự hỏi vậy.
Nhưng có lẽ là tôi lẩn thẩn quá.
17/8
Tháng tám lịch sử. Đã ba lần, tôi đi công tác trở về trong cái không khí những ngày lịch sử thế này: 1968, 1970, và 1972. Chỉ có hai phen tôi ở nhà vào tháng 8 nhưng là những tháng tám nhiều điều buồn. Tháng 8/69, Bác đang ốm, và tháng 8/71, nước rất to.
Tưởng tượng những ngày này, trời Hà Nội tháng 8 trở nên xanh hơn. Thời tiết dịu đi, một ít mùa thu bắt đầu len vào giữa những ngày hè. Nơi ở xa bao giờ cũng là nơi rất đẹp.
Nhưng mà luôn luôn lại có cảm tưởng giá kể ở nhà, thì cũng đến thế. Chẳng qua tôi đi trên con đường xa nên cảm thấy vậy. Ngoài ấy, người ta còn đang chúi mũi vào bao nhiêu việc khác ai nhớ tới chuyện chuyển mùa.

2/9 năm nay, chắc là còn tiếng súng Quảng Trị. Mới nghe phổ biến sẽ có hai giải pháp -- sau một thứ Genève tập II, lại có một thứ “nửa” mới của miền Nam, một góc nhỏ nào đó... Nhất định là mọi người sẽ cảm thấy thất vọng... Nhưng biết làm thế nào. Cái đài, như một thứ đồ vật ít biết xúc động, vẫn xoen xoét nói những chuyện đâu đâu (Tôi chợt nhận ra, cả lúc chúng tôi cởi quần lội đồng, cái đài vẫn len vào, tiếng nói cứ ráo hoảnh đi, không một chút thông cảm).
Nhưng là những người trong cuộc, có lẽ chúng ta biết hơn - Dù hôm nay, buồn đến đâu thì ngày mai sẽ lại còn buồn hơn vì những thất vọng mới.
... Hôm nay, báo Nhân Dân lại chửi xa xả những kẻ thoả hiệp một cách độc ác, ném cái phao bơi cho tên cướp sắp chết đuối, hô hào cách mạng thế giới bằng những lời nói suông chứ không phải bằng những hành động cụ thể - những kẻ coi việc hoàn thành cách mạng nước mình là xong mọi chuyện, không còn nghĩ gì đến việc hoàn thành cách mạng thế giới.
Tôi cũng không đủ hiểu biết để gọi là minh định những gì đằng sau điều người ta nói. Chỉ biết cuộc chiến đấu vừa qua, nếu chỉ đạt được ít kết quả như tôi nghe được ( một góc miền nam -- Quảng Trị!!) thì cay đắng thật. Kẻ địch của chúng ta là tàn ác, nhưng sao nó vẫn cứ nhơn nhơn đứng đó. Tại ai? Tình hình thế giới thế nào? Tại sao các nước bạn lại hành động như vậy - chịu.
18/8
Đi hơn một tiếng đồng hồ, qua một cánh đồng. Cánh đồng từ An Thuỷ sang Hoa Thuỷ, đồng sâu, con đường lầy lội nhiều, mấp ma mấp mô. Doãn Nho kể sáu năm trước đã qua đây. Đi đò. Bây giờ đi bộ. Nhưng vẫn nghèo đói vậy, ôi những làng xóm chúng ta. Lòng người như cũng có thay đổi. Người ta phân biệt đen trắng giỏi hơn. Ở nhiều nhà trên đường, tôi chỉ còn thấy những ảnh Marx, Engels, Lénin, Stalin, Hồ Chí Minh.. Thế thôi. Không còn ai nữa. Đó đều là những người chết cả rồi, không còn ai sống cả. Bây giờ thờ những người sống sao đặng? Có ai đáng thờ? Chỉ có những người chết mới để cho chúng ta yên, và chúng ta mới để cho họ yên - những người sống không làm nổi cả hai việc đó.
19/8
Từ đầu tôi đã hình dung thời gian đi từ Quảng Bình về Hà Nội bằng thời gian từ một nước nào đó, sang Việt Nam và trở về. Nghĩa là y như thời kháng Pháp, hai chục năm trước.
Biết mà vẫn chán, chán kinh khủng. Nóng ruột quá. Đi bộ, vượt rừng, chậm đến tưởng như thời gian ngưng lại.
Thế hệ chúng tôi không phải là một lớp người đi nhanh, nhưng có lẽ đã bắt đầu cảm thấy cần phải đi nhanh. Điều đau khổ là chúng tôi vẫn phải đi rất chậm.

Một người ở 559 kêu cứ tưởng trên miền Bắc đâu ra đó. Biết đâu ra miền Bắc, mọi chuyện cũng lộn xộn. Ăn tiêu chuẩn lung tung, nơi thì 7 hào, nơi thì 1đ2, nơi thì 1đ6. Tôi hùa theo, rồi còn nhiều chuyện khác nữa, đánh nhau mà, sao thoát khỏi lộn xộn.

Tôi luôn luôn nghĩ về những yếu tố chi phối cuộc chiến tranh này.
Có vấn đề dân tộc. Người ta sẽ không hiểu gì cả nếu như người ta không hiểu trình độ kinh tế, đặc điểm tâm lý của người Việt Nam. Cũng giống như cần phải hiểu cái gọi là đặc điểm của người lao động Nhật, cái lý do tại sao ở Nhật, lại có nhưng cái máy tuyệt vời như vậy.
Nhưng vẫn có những đặc điểm thuộc về chế độ. Chắc chắn rằng những ngày vừa qua, không có cách nào khác để huy động người vào chiến tranh, nếu không phải chế độ chúng ta đang sống. Một thực thể cần thiết, hình như là chỉ nó mới hợp cho một giai đoạn nào đó, một lớp người nào đó, một mục đích nào đó.
Một lần tôi đã buột miệng nói với ai đó rằng không cần báo chí cũng được, không cần dân chủ cũng được -- nhưng vấn đề là không thể kéo dài mãi cái lối làm ăn năng suất thấp, và nhiều người chỉ sống cầm chừng sống ỷ lại như thế này. Nhất là những người lao động trí óc thì như anh sống bên lề, anh chầu rìa, không được lao động hết mình.
(Nhớ có lần Xuân Quỳnh nói, xin nhận cái sự hy sinh của chính mình, để sống cái phần chung của dân tộc.)
Nhưng có thể đặt vấn đề như thế không? Có cần phải lựa chọn giữa dân chủ và độc lập tự do, giữa dân chủ và phồn thịnh kinh tế, giữa văn hoá, tự do cá nhân, và số mệnh chung của cộng đồng. Giữa hai cái đó cần phải lựa chọn lấy một, chỉ một thôi? Hay thực ra là hai cái đó liên quan đến nhau, yếu tố này thống nhất với yếu tố kia. Và người ta sẽ hoặc được cả hai, dựa vào cái nọ đồng thời đạt được cái kia, hoặc hỏng thì hỏng cả hai, chứ không phải là cần chọn lựa.

19/8 – Cách mạng. Cái tiếng được nhắc nhiều nhất trong những ngày này, cái tiếng quả thật là tốt đẹp. Nhưng không thiếu trường hợp cái gọi là vậy lại không phải vậy. Nghĩa đã thay mà chữ vẫn cũ.
Vĩ đại...Hình như cái từ này ngày càng thấy rất ít dùng trong báo chí phương Tây, trong khi nó còn dùng quá nhiều ở châu Á.


20/8 Đại Trạch
Đi theo đường giao liên năm ngày hôm nay. Đi vào con đường của cả dòng người vĩ đại từ nam ra bắc từ bắc vào nam. Nhập vào cuộc sống, trong cái thế lộn xộn thật sự. Đó là niềm an ủi của tôi, nhưng cũng là đau khổ của tôi.
Hôm qua, đêm 19/8, xe đi trong đêm, người như bị lấy roi mà giần, sứt dập lung tung. Ra để đối phó với mọi thứ trên đời, người ta chỉ có cái da thịt của mình, nó là một thứ vũ khí cuối cùng, đau đớn vậy, da thịt mà bất cứ thứ gì cũng làm sây sát được, da thịt đó lại là để cấu tạo nên con người, cái mà chúng ta bảo rằng quý báu hơn tất cả.
Nhưng khổ hơn cho tôi, và cũng là sướng hơn cho tôi, là được đi với những người làm nên cuộc chiến đấu, trong cái thế tự do, vô tổ chức, cũng là trong hình thức cá nhân của họ (khá nữa thì là những tổ chức 2-3 người), và thấy được họ khá toàn diện. Những người lính lắm điều, những người lính tham lam của cải, những người lình hầu như thiếu một cái gì chung nhất, nó làm nên phần ổn định nhất của con người.
Như là để trả thù những lúc phải tốt, phải tinh thần tập thể một cách... bắt buộc -- bây giờ người ta trở nên phá phách, tạm bợm vô nguyên tắc... một cách đáng sợ. Vì có một điều rất đơn giản, mà tôi nhận ra, chúng ta rất nhiều người, nhiều vô kể, ở đâu cũng có thể nhận ra người, nhưng nay đã đến lúc đám đông biến dạng, và cái sự đông đảo kia chỉ gợi nên cảm giác ngán ngẩm.
Số đông là rất vĩ đại, nhưng khi mà bao nhiêu cố gắng của họ, là dành cho chiến tranh, tôi lại thấy cái vẻ đẹp chủ yếu của họ đang mất đi. Sự bất lực của một đám đông là sự bất lực không gì có thể cứu vãn. Đông thế mà sao bước tiến của chiến tranh vẫn chậm. Chợt sợ hãi khi nghĩ rằng không biết cần bao công lao nữa, cuộc sống của số đông này mới nâng dậy trở lại, và khi đó, mới có bước chuyển của cả dân tộc.

... Nhưng mà thôi, như ai đó nói, chỗ mà ta có thể tránh, lại là cả thế giới này. Tôi đang như một người hành hương, như Eluard bỏ Paris một thời gian, vào với những người kháng chiến Hy Lạp, như Evtouchenko trên đường trở về xứ Zima của mình. Tôi nguyện chịu mọi thử thách. Hôm qua gặp một em bé ở Quảng Ngãi ra. 13 tuổi, bố chết 1970, mẹ chết 1972, cùng với chị và một đứa em. Nhà cửa đồ đạc không có gì. Mùng màn là dù pháo sáng đắp tạm, giường bàn bị đốt, vườn thì cỏ ăn.
Trả lời “phỏng vấn” của tôi, chú bé bảo ra đây là đỡ rồi, cháu có thể làm bất cứ việc gì mà sức cháu làm được, với lại cháu giờ có sợ nữa gì đâu, ở nhà đã cuốc đất mãi rồi.
Tương tự em bé ấy là tôi. Chỉ cần đối với tôi, đừng có những thử thách quá sức, đến không chịu nổi, còn như thế nào thì tôi cũng xin can đảm nhìn vào tình thế để cố vượt lên. Tuổi trẻ vốn dễ hồi phục sức lực. Có nhiều buổi đi mệt, nói theo tiếng Quảng Bình là mệt đọa đi, nhưng rồi chỉ một giấc ngủ, một bữa cơm nóng sốt, những người như tôi và trẻ hơn tôi lại trở lại bình phục. Tôi, tôi cần giữ được sự luôn luôn hồi sinh, sự nhanh chóng bình phục đó trong tâm hồn, và chỉ có thế, tôi mới vừa vượt lên những cực nhọc của cuộc sống này, vừa có thể sống sót để làm một người chiến thắng. Còn những tai nạn đó lại là chuyện khác.
19/8 năm nay, người ta vẫn làm như thông lệ lấy lại trong lòng người cái tinh thần cách mạng 27 năm về trước, xem hôm nay là một sự kế tục của những ngày hôm quá, trong phần đơn giản nhất của nó.
Ông Thanh Tịnh ở nhà hay nói, cái chế độ Mỹ - Thiệu ở miền Nam hiện nay không sao bền vững được bằng chế độ phong kiến. Vậy mà Bảo Đại, vậy mà cả bọn phong kiến cũng bị lật đổ...
Tôi biết mình không có cái may mắn sống những giờ phút cách mạng ở những hình thái nguyên vẹn và trong sáng của nó. Tôi hiểu bây giờ, và mãi mãi về sau, cuộc sống là một thứ cách mạng thường trực. Nhưng sao người ta cứ ấn vào đầu chúng tôi rằng cách mạng hôm nay giống như cách mạng hôm qua, những bài học cũ cứ lặp lại nguyên xi là cái gì cũng làm được. Chính cách mạng đã tự khác đi, từ 1968 đến 1972 bây giờ. Điều chắc chắn hơn là một số việc chưa làm được, chứng tỏ nhiều phương sách cũ là không còn thích ứng nữa. Lịch sử hay được viện dẫn, nhưng nên biết lịch sử không bao giờ lặp lại, người ta không học được gì ở lịch sử. Còn như phải làm như thế nào, thì chính chúng ta phải tìm, người làm ra lịch sử không chắc là người đã biết “nó”. Làm sao nhỉ, làm sao để trong những ngày tới, tìm lại được cái hăng hái sục sôi của cách mạng, cái không khí thực sự, cái cách mạng đúng như thế, chứ không phải bất cứ một sự đắp điếm đồng bóng nào. Hay là thời đại hôm nay sẽ không bao giờ chấp nhận những sự sôi nổi như vậy. Cái thời đại của trí tuệ lạnh lùng này, người ta làm việc, làm nên lịch sử, tạo nhưng bước ngoặt theo nhưng kiểu khác, và sự sôi nổi hôm qua chỉ còn đồng nghĩa với những ấu trĩ.
... Cái cần nhất lúc này là nắm được xu thế của thời đại, khi đó, với người viết là người ta sẽ có những trang viết chân chính. Văn chương cách mạng 27 năm trước là phù hợp với trình độ trí thức lúc ấy. Những bài ca cách mạng là những sáng tác theo quan niệm cổ truyền.
Thời đại mới, đòi hỏi thứ văn nghệ mới. Nhưng nó là thế nào, không ai biết. Đã làm thử nhưng có lẽ chưa phải là nó.
... Và một hệ luận cuối cùng. Phải trước kia, chúng ta khác, cho nên chúng ta có thể đủ sức cho nói một cách thoải mái, tuyên truyền một cách thoải mái còn như bây giờ, trói nhau chặt chẽ, vì cái thế của ta yếu hơn. Được mùa Cách mạng mất mùa văn chương và ngược lại.

21/8 Cự Nẫm
Những buổi tối ở Quảng Bình, xe không hiểu ở đâu ra mà nhiều vậy. Những tiếng nói mà suốt cả ngày ta không nghe, bây giờ tự nhiên lại râm ran đây đó, là cái gì thật hơn mọi thứ trên đời.
Chập choạng tối là thời điểm của những chuyến xuất phát hào hứng, còn như đến khuya thì đã là một nhịp lao động kéo đi rất bình thường.
Bao nhiêu hố bom! Những hố bom rất lớn, và những mái nhà ở Quảng Bình thì rất nhỏ, đến nỗi là cả hai bên đan xen nhau rất hài hòa. Số hố bom e nhiều bằng số mái nhà. Và mỗi hố bom là nơi trú ngụ những gì, ai mà biết được.
Na, một chiến sĩ:
-- Lắm lúc nghĩ mình chả khác gì con cua, ngày hai bữa ra vơ cái gì vào miệng, tối lại chui vào hang. Lại chẳng khác gì con cá nằm trên thớt. Tất cả đổ vào hai chữ: chiến tranh...

22/8
“Triết lý” phổ biến của người dân Quảng Bình. Ăn mánh cho bui chứ no béo gì cho cam. (Tô Hoàng “dịch”: Làm một bát cho xong). Triết lý sống tạm bợ, và lì lợm. Cuộc sống giống như mảnh đất cằn -- dẫu sao cũng chỉ có nó, không có mảnh đất nào khác.
Những đứa trẻ Quảng Bình, đồ chơi là cát tút đạn, cát tút đạn chọi nhau như những đồng hào trẻ con ngoài kia dùng để đánh đáo với nhau.
Một số đứa trẻ ở miền Nam ra, quần áo dài, khăn mặt quàng cổ, đầu đội mũ, ngực đeo huy hiệu Bác Hồ. Trẻ Quảng Bình quần áo ngắn ngủn, đen đủi. So với cánh bản địa này, lũ trẻ từ xa tới rõ ràng cứng cáp hơn hẳn.
Cái đặc điểm sống thích ứng - là đặc điểm của người lính hay đặc điểm chung của tất cả mọi người trong chiến tranh.
Tục ngữ mới Đi buôn học tính Đi lính học khôn.
23/8 Quảng Liên
Chợ miền Trung. Màu đen của áo quần, trong buổi chiều trông kín đáo và đáng mến .Từng ngườ nhìn tối tăm không thích; nhưng nhìn cả đám, tôi thấy nó nhập vào cái không khí buổi chiều, không khí sông nước dễ chấp nhận hơn.
Thỉnh thoảng một màu áo trắng trẻ trung vào đây cũng không xa lạ. Cái thật thà của cảnh và người miền Trung, khi được bên sông nuớc thì thêm phần trong sáng.
Tháng 7 âm lịch, nắng chiều, tất cả như đậm lên, sắc nét hơn. Đồng thêm xanh, núi xa thêm khắc lên nền trời. Sông thêm trong và sắc lạnh giữa một vùng đất bao la. Đồi nối tiếp đồi, để làm cho mặt đất không bằng phẳng, để cho trời không lẻ loi, và để cho có thể nhìn thấy người đi rất xa dọc những con đường đất đỏ lúc gồ lên, lúc võng xuống.
Những người phụ nữ đi chợ chiều, như vừa ở bếp ra, như vừa làm xong một phần công việc đồng áng mà đi chợ, quần ống thấp ống cao, đi nhiều lúc như chạy gằn. Cái thế khoẻ, cái hồn người thì thật sức lực.
Tôi ngồi một lúc trong buổi chiều mà đâm buồn. Những người đi chợ, những người ra giếng gánh nước. Đoàn người khăn áo vắt vẻo trên vai đi làm thuỷ lợi về. Tất cả hồn nhiên, cả đám đông tự tin, đượm đà như đang vận hành theo nhịp sống của muôn đời. Chắc không có ai nghĩ như mình – tôi giật mình khi chợt nhận ra một ý tưởng vừa len vào trong đầu, sao chung quanh cổ sơ cũ kỹ và tĩnh mịch đến phát sợ?!

24/8.
Mãi không đi hết đất Quảng Bình. Mãi không đi hết những cực nhọc của ngày hôm nay. Mặc dù biết chắc rằng về đến Hà Nội cũng chả làm gì, đến Nghệ An Thanh Hóa càng chẳng là gì, không bao giờ mình đi hết được cuộc sống khốn khổ này, nhưng dẫu sao, cũng muốn kết thúc chuyến đi để cho xong được một thứ việc.
Từ nay trở đi, cảm hứng lớn nhất trong cuộc đời mình có lẽ là một cảm giác ê chề, đau khổ vì đất nước nghèo nàn và lạc hậu, dân tộc sống khó khăn. Trong chấp nhận vẫn có cảm giác bị thách thức -- trước hoàn cảnh như vậy, mình sẽ đóng góp như thế nào cho có hiệu quả nhất.
Với thế hệ sinh 1930, có lẽ xong cuộc chiến tranh này, là các anh có thể nghỉ. Hai cuộc kháng chiến còn gì! Nhưng chúng tôi, lớp người sinh 1940 -- 1950, chúng tôi mới bắt đầu cuộc đời, chúng tôi phải xây dựng lại tất cả. Thế nào là một thái độ tích cực với đời bây giờ. Có phải trước khi xây dựng thì tố cáo, căm phẫn, đập phá, không thoả mãn cũng là rất cần thiết.
(Chợt nhớ bè bạn hay bảo tôi là đã trở nên chính thống quá đi. Còn riêng tôi, tôi tin nhận xét của những người ở cơ quan VNQĐ, rằng tôi chông chênh và hoài nghi - Thú thực, cũng chẳng muốn thế đâu, nhưng số phận là như vậy).

Nghe nói một đạo diễn điện ảnh chiêu hồi. Sau khi ở Liên Xô về, tuyên bố rằng 50 năm nữa, Việt Nam cũng không có điện ảnh chân chính. Rồi bảo: Phải vào trong chiến đấu, mới có phim. Và dinh-tê.
Đó cũng là một sự thách thức với tôi..... Hành động không đúng, nhưng nhận xét của hắn đúng. Vậy phải làm thế nào.
Một thoáng rất nhanh, đọc Nguyễn Mạnh Tường,[ bài phát biểu trước hội nghị Mặt trận tổ quốc, bản in lại của SG, tôi nhặt được hồi tháng sáu vào thị xã Quảng Trị], thấy rất thấm thía. Câu chuyện năm 1956 tức 16 năm trước vẫn là câu chuyện của những ngày này. Trước sau, đều là những chuyện ấu trĩ, dù là bây giờ ở một giai đoạn đã cao hơn, nhưng vẫn là ấu trĩ, vả lại giờ đây sự ấu trí có nền nếp, có lý lẽ để bảo vệ, cho nên khó lay chuyển hơn.

25/8
1) Cố sống, bám lấy cuộc sống, yêu cuộc sống hết lòng -- vì không nơi trú ẩn nào khác --, nhưng là yêu một cách cay đắng; từ đó hình một thói quen lao đầu vào công việc, làm việc không rời tay, không ngơi nghỉ.
2) Sự ích kỷ, thái độ hết sức nồng nàn đối với chính mình - làm sao để kích thích được mình làm việc, không phải sự bê tha hưởng lạc, nhưng là khát khao đóng góp, khát khao phát huy cái tôi của mình, tin rằng thế giới sẽ thêm được một chút gì đấy, nếu những người như mình lớn lên một cách chân chính. Tin rằng mỗi sự thu góp, giành giụm thời giờ, sức lực không phải để cho mình, mà để cho cả xã hội.
3) Trâng tráo - đó là một từ khác để chỉ một thái độ bình tĩnh trước cuộc sống. Tin rằng thế giới lộn xộn, không thể hy vọng một cách hão huyền rằng nó tốt đẹp, trọn vẹn. Trái lại, biết nó thế mà vẫn dám sống. Trâng tráo để chống lại thái độ tình cảm chủ nghĩa cũ, ru rín, vuốt ve người khác và chính mình. Trâng tráo để chứng tỏ biết rằng chính mình cũng không toàn vẹn, nhưng không vì thế mà phủ định mình. Trâng tráo vì tin rằng có những cái quan trọng và những cái không quan trọng, cái thứ nhất thật đáng chú ý, cái thứ hai có thể bỏ qua được. Trâng tráo vì tin rằng thế giới còn rất nhiều điều vớ vẩn, thế giới có thế nhích lên, như thế thì trước tiên phải chú ý mình làm được cái gì, đừng quá chú ý mình làm thế nào. Trâng tráo: sống thô, sống không trau chuốt.

Có lẽ trên đây là phác họa mấy khuôn mặt của một thái độ sống hiện đại. Hơn đâu hết, trong cuộc sống hiểu theo nghĩa này, người ta chú ý tới quan điểm động, quan điểm về sự mài rũa của thời gian và biến động luôn xảy ra ở mỗi cá nhân. Người ta chú ý cuộc sống như một sự thách thức. Chính là trong quan niệm sống kiểu này, vai trò của xã hội được đặt ra thật cao, mà sự tồn tại của cá nhân cũng được chế định, xác định thật dứt khoát. Mà người ta vẫn thấy xã hội là không làm gì được cá nhân, và cá nhân không làm gì được xã hội.

Nhiều trạm giao liên còn gửi khách vào nhà dân. Những cái nhà rộng có khi đủ chỗ cho cả tiểu đội. Nhưng hãy nhìn vào cách mắc võng của chúng ta. Trong cái nhà vốn ngăn nắp, tất cả bị nháo nhào cả lên, cột ngang cột dọc, tầng dưới tầng trên xen kẽ đâm bổ vào nhau không ra sao cả. Dấu hiệu của một cuộc sống sống cá thể phân tán. Nhưng đã quá đủ để chen chúc qua ngày. Lúc nào thoáng cảm thấy ngột ngạt thì chỉ cần nghĩ tới những phút nằm hầm là lại có ngay một chút an ủi - được như thế này cũng đã may lắm.

Cầm cái đài lên. Tìm một giọng nói bật lên. Là bắt đầu một hành động lớn, cá nhân tiếp xúc với cả thế giới.
Dù vô hình những vẫn đầy sức mạnh, cái giọng nói ấy đại diện một sự tồn tại. Ta muốn tìm một sự giao cảm.
Nhưng cứ như tôi với cái đài hiện nay, quả thật vừa nghe nhau, vừa chán nhau, cái bình có nối thông thì vẫn là nhiều cản trở.
Rất nhiều lần, tôi đặt tay vào hàng phím trên đài, tắt rồi lại bật, bật một tí lại tắt, không biết làm sao tìm được một tiếng nói đáng nghe. Tiếng nói của những người bên này thi leo lẻo một giọng đều đều, tiếng nói của những kẻ bên kia thì u ám, xa lạ, giả dối.
Tôi chỉ là một người lính hạng bét, toàn phải đi nghe nhờ đài người khác, lòng lúc nào cũng thầm mong có một cái đài của mình. Để làm gì, để khi thích thì tìm nghe, nhưng luôn luôn có thể tắt đi khi không cần. Tiếng nói trên thế giới hỗn loạn thật nhiều bề, mà cái đáng nghe vẫn là ít. Thật hiếm hoi, thất ít ỏi, là những tiếng nói đáng nghe.

26/8 Kỳ Thượng
Một cậu bộ đội nói với hai đứa trẻ từ miền Trung Trung bộ ra:
- Không có cách mạng, chắc gì chú cháu mình đã gặp nhau ở đây phải không mày. Chúng mày ra Bắc cố học, rồi đi đánh nhau thay chúng tao.
Một người lính Hà Nội mới vào kể chúng em được huấn luyện có 3 tháng, cứ chơi bời đi về luôn, có thằng tập chưa được một tháng.
Hà Nội không có điện. Mỗi khu phố một ngày điện sáng trong một tuần. Công nhân đi đắp đê cả.

27/8 Đức Lạc Hà Tĩnh
Thật là một điều tôi không muốn tí nào: tôi đã nghĩ không hay về những đám đông và muốn tránh những đám đông - Một đám người ô hợp kinh khủng. Rất khó tìm được một sự tự nguyện sống có văn hoá, sống có tri thức.
Càng ngày, tôi càng thấy rõ, những người lính trẻ của chúng ta thiếu một điều kiện căn bản này—thiếu giáo dục trước khi vào bộ đội. Rất nhiều cậu đã có dáng dấp một chiến binh thành thạo, trước khi trở thành người. Và hình như vào bộ đội cái khuynh hướng chưa thành người đó càng phát triển.
Y hệt cuộc chiến tranh lần trước, một lực lượng dân công khổng lồ được huy động trong chiến tranh. Xem một đám đông tụ tập, tôi chợt nghĩ sao người của chúng ta nói nhiều làm vậy? Và người ta còn làm dáng. Có những người, khi mặc bộ quần áo mới, là cảm thấy bước vào cách mạng. Chính họ không ngờ đang đi giữa cõi sống và cõi chết.
28/8
Những đứa trẻ con liệt sĩ, những đứa trẻ đi theo đường giao liên từ Quảng Ngãi Phú Yên ra- lại là những đứa trẻ rất hư. Chúng nó chạy loăng quăng trong hàng quân xin thuốc. Chúng nó cũng chửi giao liên như bội đội, chửi luôn mồm, và một lần, tôi đã chứng kiến một thằng bé chửi vào mặt một người lính khi anh chiến sĩ này lên mặt dạy đứa trẻ kia (Những người ở chiến trường về, lại dễ bị nhiễm các loại tệ nạn ở Hà Nội hơn cả).
Những đứa trẻ bao giờ cũng là hình ảnh của những người lớn.
Không gì quý cho bằng sự giáo dục của cha mẹ, đối với những đứa trẻ.

Những ông già thích nghe đài. Một ông già ở Cự Nẫm kể: Nó họp với mình ở Pa di. Có 2 nước không muốn hop. Mình bảo: Anh không hợp mời anh về. (cụ nghe hội nghị Georgetown ra hội nghị Paris)
Chính trị lôi cuốn mỗi con người dân tộc tôi, cũng như các dân tộc khác. Cả thế giới sống như vậy. Nhưng trình độ kinh tế nước tôi đã đủ để mọi người sống vậy đâu.

Văn Thảo Nguyên: Đất trời của mình mà cứ chui rúc như một bọn ăn trộm.
Nh: Tôi luôn cảm thấy bị đe doạ. Việc đi trên đường luôn luôn là bị đe doạ.
Anh Vinh: Bởi anh coi mình đặc biệt hơn, mọi người thì anh mới có ý nghĩ đó còn như anh xem, tất cả mọi người đều đang bị đe doạ như anh thôi.
...
Tôi đang đi trên con đường giao liên vĩ đại trên đó, theo chiều chảy ngược từ nam ra bắc. Ở đây, có ít nhất mấy hạng người.
- Những cán bộ ưu tú đi học ngay trong chiến tranh
- Những kẻ đào lạc ngũ
- Tốp trẻ con đi bộ từ Khu 5 ra
- Và một ít nhà báo.
Tất cả là một đoàn người hẩu lốn, lúc nào cũng nhao nhao lên đòi ăn, đòi uống, tính chuyện mua đài để nghe nhạc, mua thức ăn, ăn thêm. Người nào cũng sống vì những mục đích lớn lao, nhưng lại hết sức thiển cận, vụ lợi trong những mục đích cụ thể và suy cho cùng là chỉ biết có mình, biết công việc của mình một cách rất là bị động, bó buộc. Bước đi của người ta nhích tới một cách chậm chạp, cả đoàn người nhích tới quá chậm chạp. Nhưng tôi không biết nói với mọi người làm sao.
Cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến tranh hậu cần, và bên phía chúng ta, chiến tranh hậu cần với nghĩa một đống người chỉ có việc lo ăn lo mặc cho đám ít hơn nhau, cả hai chỉ vừa đủ để mà sống lè tè sát mặt đất, và gọi là chiến tranh đấy nhưng tất cả là cầm chừng.
Tôi hiểu ý nghĩa cao cả của sự hy sinh, nhưng sao vẫn luôn luôn cuộn lên trong đầu cái ý nghĩ ngược lại, giá đừng hy sinh thì hơn. Những người con trai của mọi miền quê tự nhiên họp thành một bọn đi dọc đất nước, và sống tạm bợ, vì những mục đích ai cũng bảo là vĩ đại, nhưng đang là không đâu vào đâu...
Mọi làng xóm tiếp những người con trai này đã quen. Nhưng tôi vẫn thấy khó quen quá.
Kẻ thù của đã đẩy chúng ta vào một cái thế cùng cực. Tại kẻ thù thôi, người ta chỉ cho phép chúng tôi nghĩ thế. Nhưng tôi muốn thêm vào, suy cho cùng cũng tại ta, mà có khi chủ yếu là tại ta. Điều chắc chắn nhất --cùng cực quá.
Văn Thảo Nguyên kể một chuyện ngoài lề. Cách dạy con của loài cò lạ lắm. Khi cò con sắp sửa tập bay, cò bố cò mẹ sắp cả bọn thành hàng rồi lần lượt đá chúng khỏi tổ để chúng rơi từ ngọn cây xuống đất. Con nào bay được thì sống. Còn nào yếu thì chết ngay lập tức.
(còn tiếp)

Vương Trí Nhàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét