Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

PHẢN HỒI TỪ GIA ĐÌNH ÔNG BÙI SAN VỀ BÀI: CÓ XUẤT HIỆN NHỮNG " BÙI SAN, TRẦN HOÀN " CỦA THĂNG LONG


PHÁ ĐÀN NAM GIAO.ĐỊNH PHÁ QUỐC TỬ GIÁM.AI ?

Đàn Nam Giao-Huế:

Sau khi Ba Sàm điểm bài
LIỆU CÓ XUẤT HIỆN THÊM NHỮNG “BÙI SAN, TRẦN HOÀN ”... CỦA THĂNG LONG TỨ TRẤN ? trên blog của Nhà văn Phạm Viết Đào, với 2 câu thơ Bùi San cùng với Trần Hoàn/ Hai thằng hiệp sức phá đàn Nam Giao…, gia đình cố bí thư Bùi San đã phản ứng bất bình về bài viết. Ngoài gọi điện cho tác giả, còn có bức thư gửi Ba Sàm, với đề nghị đăng tải:
Gửi Anh Ba Sàm.
Trong mục “Tin thứ Năm, ngày 16-8-2012” của trang mạng Ba Sàm có đăng bài viết “Liệu có xuất hiện thêm những “Bùi San, Trần Hoàn “….của Thăng Long Hà Nội (của Phạm Viết Đào), trong đó trích dẫn hai câu “ca”: “Bùi San cùng với Trần Hoàn…..” .
Tình cờ tôi được nghe hai câu “ca“ này cách đây khoảng 16 – 17 năm. Tôi rất bất bình với những người đặt ra hai câu “ca“ này.
Sau đó, tôi đã được đọc bài viết có tính nghiên cứu khoa học về Đàn Nam Giao đăng tải trên một số tạp chi nghiên cứu khoa học của Vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa –Thông tin (khoảng năm 1997 – 1998), ,nay là Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa –Thể Thao và Du lịch. Tôi còn nhớ , theo như bài viết đó thì Đàn Nam Giao (Huế) đã từng bị phá từ thời Ngô Đình Diệm ….
Nhà văn Phạm Viết Đào công tác tại Vụ Điện ảnh, tiếp đến công tác tại Ban Thanh tra Bộ Văn hóa –Thông tin, rồi Ban Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch mấy chục năm cho tới lúc nghỉ hưu, chẳng lẽ Phạm Viết Đào không nắm được những thông tin chính xác, để đến hôm nay, viết bài về chủ trương cắm cọc xuống Hồ Tây (Hà Nội) để triển khai dự án đường sắt trên cao chạy theo tuyến số 5 của Hà Nội, Phạm Viết Đào lại lôi ông Bùi San – một vị lão thành cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho nền độc lập của dân tộc và ông Trần Hoàn, một nhạc sĩ cách mạng nổi tiếng, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa –Thông tin, vào vụ việc này. Tệ hại hơn, Phạm Viết Đào còn trích dẫn hai câu “ca“ nói trên mà Phạm Viết Đào cho là câu ca của dân Huế? Phạm Viết Đào viết “Ai đã từng có dịp ghé qua Huế, trên đường thăm các lăng của các vua Triều Nguyễn, qua khu vực Đàn Nam Giao thường vẫn nghe mọi người truyền nhắc câu ca của dân Huế …”. Phạm Viết Đào nói không đúng sự thật!
Thiết nghĩ, trước khi đặt bút viết những dòng trên, Phạm Viết Đào nên cân nhắc, tìm hiểu cặn kẽ ngọn nguồn, đừng cố ý xúc phạm tới người đã hy sinh cả cuộc đời mình vì nền độc lập của dân tộc và người nhạc sĩ, chiến sĩ cách mạng đáng kính trọng, người từng là thủ trưởng của mình và biết bao anh em đồng nghiệp luôn yêu mến kính trọng ông./.
Độc giả: Ngọc Bích.
Vậy đâu là sự thật?
Lại xin trích mục
Đàn Nam Giao triều Nguyễn trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
Năm 1977, một vụ nổ mìn đã xảy ra ở trên sân Nghênh Lương Đình, trước Phu Văn Lâu. Vụ nổ đã phá tung đài tưởng niệm liệt sĩ bằng tôn và gỗ, cao chừng 3,5m, được dựng lên ở đây vào năm 1975. Ngay trong đêm xảy ra vụ việc, lực lượng an ninh Việt Nam đã đến ngay để dọn dẹp hiện trường, dựng lại đài tưởng niệm như cũ. Nhưng đầu tháng 11 năm 1977, Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên yêu cầu xây dựng đài tưởng niệm mới ở vị trí khác vì cho rằng địa điểm trước Phu Văn Lâu không đảm bảo an toàn cho Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy là Bùi San đến đặt vòng hoa vào ngày 22 tháng 12 là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một cuộc họp “khẩn” với đại diện các cơ quan công quyền của tỉnh này đã diễn ra ở trụ sở Ty Thương binh và Xã hội. Nhiều địa điểm ở Huế được đề xuất nhưng cuối cùng, địa điểm được chọn lại là đàn Nam Giao triều Nguyễn ở xã Thủy Xuân (nay là phường Trường An), thành phố Huế … . Dư luận Huế bày tỏ bất bình bằng câu ca dao mà nhiều năm sau còn được truyền tụng. ‘Trần Hoàn cùng với Bùi San / Hai thằng hợp tác phá đàn Nam Giao”.
Nội dung trên liệu có đáng tin cậy? Để trả lời phần nào, xin đọc loạt bài Thăng trầm Đàn Nam Giao triều Nguyễn của Phanxipăng, trên diễn đàn của trang web truongkieumauhue.org. Loạt bài này lại được lấy từ một tạp chí trong nước là Thế giới Mới, số 704, 705, tháng 9/10-2006 (có lẽ gần đây đã có trang web, địa chỉ thegioimoi.vn). Xem ra, phần ghi trên Wikipedia là trích ra từ đây.

Tuy nhiên, trong bài của Phanxipăng có một chi tiết thoáng qua có thể lấy đó làm nghi vấn mà gia đình cố bí thư Bùi San cho là Đàn Nam Giao cũng từng bị “phá” từ hồi ông Ngô Đình Diệm, qua thông tin về “mấy phiến đá”:

“Vụ phá đàn Nam Giao gây xôn xao dư luận mãi, còn bởi lẽ: đàn Nam Giao là chốn vẫn được dân chúng tôn là quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong quần thể di tích của vương triều Nguyễn, mà cái độc đáo vô song của đàn này – kể cả Thiên đàn Bắc Kinh cũng khó sánh nổi – chính là mấy phiến đá thanh cực kỳ đặc biệt đã bị hủy hoại hoặc bị khuân đi đâu chưa rõ khi người ta cạy sàn Viên Đàn để dựng lên đấy một khối “tân cổ cưỡng duyên” (chữ dùng của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn). Phiến đá kia độc đáo thế nào? Nhiều bậc bô lão ở Huế bảo rằng nhờ xếp đặt theo một phương pháp “bí truyền”, đá ấy có tác dụng đặc biệt là khuếch đại âm thanh tương tự máy tăng âm hiện đại, do đó xưa kia nhiều người đứng xa vẫn nghe rõ mồn một tiếng nhà vua mỗi dịp tế Giao dù thời đó chẳng có micro và ampli (?).
Chưa tìm thấy tài liệu khả tín nào ghi nhận đặc tính kỳ lạ của mấy phiến đá thanh lát Viên đàn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng loại vật liệu “có một không hai” ấy từ đầu thập niên 1960 từng bị Ngô Đình Cẩn phái thuộc hạ tới bê về Phủ Cam để xây lăng thân phụ là Ngô Đình Khả. Chi tiết này rất đáng ngờ. Vì lăng cụ Khả hiện còn nguyên trạng bên cạnh giáo đường Phủ Cam, gần ngã ba Thánh Giá, chẳng tồn tại dấu hiệu gì chứng tỏ ý kiến đó có cơ sở.”
Như vậy, dù sao cho tới lúc này, vẫn chưa thấy có lập luận phản bác nội dung ghi trên Wikipedia và tạp chí Thế giới Mới về vụ phá Đàn Nam Giao. Trách nhiệm đương nhiên vẫn thuộc về những người chịu trách nhiệm trực tiếp cao nhất, kể cả nếu như thông tin ông Trần Hoàn khi đó đi vắng là xác thực.

Văn Miếu-Quốc Tử Giám:

Có một chuyện còn động trời hơn nhiều mà Ba Sàm mới được nghe gần đây từ người rất gần gũi với
Học giả Trần Văn Giáp kể lại, xin được đưa ra như một gợi mở cho các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học tìm hiểu. Đó là vào khoảng năm 1972, đã có một quyết định do một vị Phó thủ tướng ký, phá b Văn Miếu-Quốc tử giám, để lấy địa điểm đó cho nhà máy Xe đạp Thống Nhất. Học giả Trần Văn Giáp đã phải vội vã trình báo, “rập đầu” khẩn thiết can gián với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thậm chí ông còn tuyên bố nếu ông Đồng không ký hủy quyết định đó, ông sẽ xin chết tại chỗ, quyết không ra về. Đại phước cho dân tộc là ông Đồng đã biết lắng nghe.

Lời bàn:

Thực tế đã cho thấy những vụ việc công nhiên xâm hại di tích văn hóa của chính các cấp chính quyền trong suốt hàng chục năm qua có lẽ khiến ta không mấy ngạc nhiên về hai câu chuyện trên. Nếu đi sâu phân tích lý do sâu xa để dẫn tới hậu quả đó thì ắt sẽ càng thấy hiển nhiên hơn. Bởi vì:

1- Khi đứng lên làm cách mạng, đại đa số họ xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo ít học, ý thức về việc gìn giữ văn hóa, lịch sử dân tộc đương nhiên rất hạn chế.
2- Trong khi đó, lại lẫn lộn giữa ảo tưởng xa vời với bản chất thực tại, tự cho mình là “đỉnh cao nhân loại”, càng coi thường mọi giá trị nhân văn, từ trong quá khứ dân tộc cho tới toàn nhân loại.
3- Đắm mình vào chiến tranh triền miên, mờ mắt vì chiến thắng, lại “thắng” quá lớn nhiều “đế quốc to”, thành ra coi nhẹ chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần.
4- Khi mang bản chất hẹp hòi tiểu nông, giành được chính quyền là khao khát đập phá, xóa mọi dấu tích của “giai cấp thống trị” cũ; vừa là bản năng tự nhiên, vừa do toan tính ranh mãnh.
5- Để tự đề cao, giành ảnh hưởng tuyệt đối trong dân chúng, trong suốt quá trình cầm quyền, cần bằng mọi cách hạ thấp, xóa nhòa, che đậy mọi dấu tích được coi là đẹp đẽ, ưu việt hơn mình.
6- Mê mẩn, ảo tưởng về công cuộc “cách mạng thế giới”, đương nhiên xem thường chuyện nước nhà.
Sau “Đổi mới” đã có thay đổi. Từ đập phá, chuyển sang bán chác, làm biến dạng.

Ba Sàm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét