Văn chương Nhật Bản kỳ lạ đến mức, dường như đó là một thứ
văn chương của hành tinh khác, hoặc giả có thể chia văn chương thành hai loại:
văn chương “thông thường” và văn chương Nhật.
Ekuni Kaori là tác giả ba cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng
Việt gần đây: “Lấp lánh”, “Tháp Tokyo” và “Hoàng hôn rơi xuống”. Truyện thứ
nhất kể về cuộc sống của một cặp đôi như sau: Shoko nghiện rượu nặng, còn
Mutsuki là một người đồng tính nam. Họ sống với nhau trong một nhà nhưng không
có quan hệ tình dục, và điều làm Shoko thích thú hơn cả là nghe chồng mình kể
về người yêu của anh (một đồng tính nam khác). Ekuni Kaori sinh năm 1964 và có
cách dẫn dắt câu chuyện khá giống với một nhà văn nữ Nhật Bản khác cũng rất nổi
tiếng, Yoshimoto Banana.
Trong “Tháp Tokyo”, chàng trai trẻ Toru yêu Shifumi, một phụ
nữ đã có chồng và là bạn của mẹ; nhân vật Koji bạn thân của Toru thì ở trong
một mối tình với một người đàn bà đã có chồng khác, Kimiko, trong khi vẫn yêu
cuồng nhiệt cô bạn cùng trường. Đến “Hoàng hôn rơi xuống” thì tính chất “weird”
của văn chương Ekuni Kaori càng bộc lộ rõ hơn: Rika bị người yêu lâu năm của
mình (tám năm chung sống) bỏ để theo một cô gái khác, rồi sau một thời gian, cô
gái Hanako nguồn gốc cuộc chia tay kia bỗng xuất hiện và thế là Rika sống cùng
Hanako trong một nhà.
Chưa nói gì đến mặt văn chương (mặc dù đây mới là cái đáng
nói: so với cốt truyện kỳ quặc, văn chương của các nhà văn Nhật Bản mới thực là
kỳ quặc), những câu chuyện thuật lại sơ giản trên đây đã cho thấy chút ít một
cái gì đó làm nên một kiểu văn chương rất khác lạ nhưng lại cũng rất đặc thù
(có lẽ đưa cho một độc giả tương đối sành sỏi một cuốn tiểu thuyết giấu tên,
nhân vật được gọi tắt là X là Y là Z thì chỉ cần một lúc là người đó biết ấy là
tiểu thuyết Nhật). Văn chương Nhật đưa ra những tình huống khó nghĩ đến nhất.
Và đã là như thế từ rất lâu rồi: các nhà văn lớn của Nhật hồi thế kỷ XX chủ yếu
đều chống lại chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa tự nhiên, để rồi xuất hiện một
Dazai Osamu (của “Tà dương” và “Thất lạc cõi người”) hay Agutagawa vĩ đại.
Những nhân vật chủ chốt sau này cũng vậy. Mishima và vụ án
Kim Các tự, Kawabata với những cánh hạc, và nhất là Tanizaki: độc giả ngoài
nước Nhật, kể cả phương Tây, hẳn đều sửng sốt với những câu chuyện của
Tanizaki, trong đó cái tâm lý con người bị khai thác theo những lối nếu không
phải “quái gở” thì cũng đặc biệt quái đản, như trong “Chiếc chìa khóa” hay
“Nhật ký lão già điên”.
Hình như nhà văn Nhật sẽ không khởi sự viết tác phẩm của
mình nếu chưa tìm ra một tình huống đặc biệt: không cực đoan thì ắt oái oăm,
không tuyệt cùng đau khổ thì ắt nặng nề trầm luân, không nổi loạn điên cuồng
thì ắt phản kháng tự hủy, vân vân và vân vân. Để quay trở lại với giai đoạn gần
đây: Ogawa Yoko (“Giáo sư và công thức toán”, “Quán trọ Hoa Diên Vỹ”) là bậc
thầy của những tình huống lạ lùng. Nhưng cái lạ lùng Nhật Bản lại chẳng bao giờ
có gì chung với sự ngẫu nhiên, vì cái lạ lùng ấy là lạ lùng từ bản chất, lạ
lùng ở nền tảng.
Chuyện cứ tiếp tục như vậy cho cả đến những nhà văn rất gần
đây, như ta đọc được trong “Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường” của Yamada Amy, “Rắn
và khuyên lưỡi” của Kanehara Hitomi hay “Em sẽ đến cùng cơn mưa” của Ichikawa
Takuji.
Không một lúc nào văn chương Nhật Bản không tìm kiếm những
quái lạ, mà chỉ sự chừng mực nhất định trong đầu óc nhà văn và tài năng kiềm
chế của họ mới không biến chúng thành những hỗn loạn văn chương. Nhưng đây cũng
là điểm yếu của tiểu thuyết Nhật Bản, nhất là ở các nhà văn trẻ đã có sẵn
“phong vị kiểu Nhật” ở trong máu: quá chú tâm vào việc tạo tình huống, quá phấn
chấn với những gì gây sửng sốt, họ hay hụt hơi để rồi viết ra những cái kết
truyện không tương xứng nổi với độ mãnh liệt của sự kỳ quái, đó cũng chính là
trường hợp ba tiểu thuyết của Ekuni Kaori.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét