Người thành phố chúng ta, hồi tưởng lại những ngày chính biến ồn động đưa tới hình thành chính thể mới còn nhớ mãi cái cảm giác lấp vướng ngột ngạt của một tầm mắt tức tối thình lình bị án ngữ. Khi một loạt những chùm tượng lính biểu trưng cho từng binh chủng, chỉ sau một đêm đã đồng loạt mọc, kín khắp những bùng binh và những công trường. Nhễ nhại dưới nắng, uy nghi trên cỏ, ngất ngưỡng trong cây, những công trình điêu khắc ấy, nói chung, những ngày đầu, có phần nào đã bị những cặp mắt qua đường bất thiện cảm ngắm nhìn như những gò đống kim khí kềnh càng chướng nghịch. Hiện hữu đột ngột của tượng có phần nào hủy hoại đi cái đẹp cân đối, dịu dàng đã quen thuộc nhiều ngày của những khoảng trống cũ.
Cảm giác bất thiện cảm với tượng bấy giờ có. Có thực. Không phải vì những hình dáng dũng liệt của tuyến đầu và của tiền đồn ấy không xứng đáng phô bày trước tầm mắt và kiến trúc phố phường. Trái lại. Trong mỗi gia đình Việt Nam, đều đã có những mái đầu ra trận. Cuối một con đường độc đạo, dưới một nóc lô cốt biên thùy, bằng tao ngộ chiến giữa rừng, bằng phục kích trong đêm, bằng chuyển quân dưới nắng, từng ngày từng giờ đều có những người lính trẻ của chúng ta ngã xuống. Ngã xuống, cho những người khác sống. Với thủ đô an toàn, vì có những vòng đai phòng ngự thịt xương vây bọc, sự có mặt của tượng là một cần thiết. Mang một tác dụng tốt, một nhắc nhở cần. Nhắc nhở đất nước chúng ta vẫn lửa đạn kín trùm. Và người hậu phương nhìn tượng và thấy tượng, không thể lãng quên rằng một phía Việt Nam có thể đã an toàn, vẫn mười phía khác Việt Nam là chiến hào và mặt trận. Ghi lại cái cảm giác lấp vướng ngột ngạt của một tầm mắt thình lình bị án ngữ bởi vậy chỉ là nói đến cái hiện tượng của một thói quen bị xô chuyển mà thôi. Đời sống và tâm hồn người như thế. Một kết thành, thường trực của những thói quen. Trong cái mỏ hằng hà những thói quen đúc lại thành khuôn, gấp lại thành nếp, có những thói quen rất tốt lành, có những thói quen cực kỳ nguy hại.
Tuổi Ngọc, số 7(bộ mới),tuần lễ từ 8-7 đến 15-7-1971
(Cảm ơn Thủy Tiên đã gởi tặng tùy bút này)
*
Có một bài viết liên quan đến việc dựng tượng, xin copy vài trích đoạn:
Năm 1967, khi Chính Phủ Quân Nhân do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tức Thủ tướng) sửa soạn trao quyền lại cho Chính Phủ Dân Sự, Chính Phủ muốn để lại một cái gì cho thành phố Sàigòn, đánh dấu thời gian Quân Đội tham chánh, nhất là tạo cho Thủ Đô Sàigòn thành một thành phố có màu sắc lịch sử và đẹp xứng đáng là một Thủ Đô, Chính Phủ muốn dựng các tượng danh nhân lịch sử tại các công trường trong Thủ Đô. Việc này Chính Phủ giao cho Quân Đội thực hiện, cụ thể là Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Quốc Phòng phụ trách. Lúc ấy Cục Tâm Lý Chiến do Đại tá Vũ Quang làm Cục trưởng. Một buổi họp tại Cục Tâm Lý Chiến do Đại tá Vũ Quang chủ tọa, để phân nhiệm cho các Quân Binh Chủng trách nhiệm dựng tượng Thánh Tổ của mình tại các công trường được chỉ định. Đa số các Quân Binh Chủng đều tôn vinh các vị anh hùng, danh nhân trong lịch sử làm Thánh Tổ. Riêng Không Quân không tìm được vị anh hùng nào trong lịch sử, nên công trường được giao phó là khuôn viên trước Tòa Đô Chánh Sài Gòn, Không Quân đã dựng một tác phẩm điêu khắc kỷ hà, nói lên tinh thần bảo vệ không gian của Tổ Quốc. Thủy Quân Lục Chiến cũng vậy. Anh em Thủy Quân Lục Chiến dựng tượng hai người lính trong tư thế xung phong tại vườn hoa trước tòa nhà Quốc Hội.
*
Riêng Hải Quân, được giao dựng tượng tại công trường Mê Linh, sau đổi là công trường Bạch Đằng, ở ngay bờ sông, cuối đường Hai Bà Trưng. Việc tế nhị và khó khăn của việc dựng tượng Thánh Tổ Hải Quân ở đây là làm thế nào có thể sử dụng được cái bệ đã có sẵn. Nguyên khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa đây là công trường Mê Linh, được ông Ngô Viết Thụ lập đồ án dựng tương Hai Bà Trưng. Kiến trúc đẹp, mới được coi là một công trình nghệ thuật của Thủ Đô Sàigòn, tạo một hấp lực cho cảnh trí bến Bạch Đằng, xứng đáng là cửa ngõ của Thủ Đô Việt Nam Cộng Hòa.
Tượng Hai Bà Trưng đẹp, nét điêu khắc sắc và mới, được dựng trên một bệ cao 3 chân phảng phất một đầu voi với hai chân trước và cái vòi voi. Khi khánh thành công trình này, chính Bà Ngô Đình Nhu, với tư cách là Chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới tới khánh thành. Tất nhiên đây là tượng Hai Bà Trưng, nhị vị nữ lưu lừng lẫy của lịch sử nước nhà, nhưng việc điêu khắc mới quá, phảng phất như hai mẹ con bà Nhu. Dân Sàigòn đã nhìn tượng này qua ấn tượng là hình ảnh của bà Nhu, nên khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ năm 1963, lòng người trong cơn cuồng nộ, đã ào ào kéo tới công trường này và đã kéo đổ tượng Hai Bà xuống, như muốn xóa sạch vết tích của bà Nhu. Đầu hai pho tượng đã được để lên xe xích lô đi diễu trên các phố, nhiều báo đã có in hình này. Sau này không hiểu đầu hai pho tượng ấy lưu lạc nơi đâu. Vì thế, từ năm 1963 đến năm 1967, 4 năm trời “đầu voi” tại công trường bỏ trống, không có tượng nào trên đó cả.
Khi công trường này được giao cho Hải Quân được đổi tên là công trường Bạch Đằng, vừa là quân cảng, và bến sông tiếp nhận các tàu bè từ biển tới Thủ Đô Sàigòn. Công việc dựng tượng do Chính Phủ Quân Nhân khởi xướng, như trên đã nói, muốn làm cho nhanh, trong vòng năm bảy tháng, hầu kịp thời gian khi chuyển quyền từ Quân Đội qua Dân Sự. Trên căn bản các chi phí do Chính Phủ cung cấp. Tôi không còn nhớ kỷ, nhưng đâu như Chính Phủ cấp cho mỗi Quân Binh Chủng một ngân khoản độ mấy chục ngàn mà thôi. Ngân khoản quá nhỏ. Hầu như tất cả Quân Binh Chủng, muốn làm tượng Thánh Tổ của mình cho thật đẹp, các Quân Binh Chủng liên hệ đều phải bỏ công và của vào rất nhiều. Riêng Hải Quân, đây là một công trình to tát và mang nhiều ý nghĩa. Vì vị Thánh Tổ Hải Quân, Đức Trần Hưng Đạo, chẳng những văn võ song toàn, một vị đại anh hùng của dân tộc, và đây còn là cửa ngỏ của Thủ Đô, sát ngay Bộ Tư Lệnh Hải Quân, nên Hải Quân đã tích cực và thi hành công trình thật chu đáo và to tát.
(…)
Trở lại với việc dựng tượng Thánh Tổ Hải Quân, Đức Trần Hưng Đạo tại công trường Bạch Đằng, sau nhiều bàn cãi, có những quyết định như sau. Về bệ tượng, cần hủy bỏ 3 chân của bệ, và vị Thánh Tổ Hải Quân được biết đến như một vị tướng tài chỉ huy thủy chiến, không, hoặc ít có liên hệ đến hình ảnh của con voi, nhất là cần phải làm khác, hầu như xóa đi cái ấn tượng và liên hệ đến bà Nhu. Nhưng việc phá đi bệ này vừa không phải dễ làm, và còn phí phạm một công trình kiến trúc rất đồ sộ, khó khăn. Cuối cùng đi tới kết luận là vẫn để nguyên 3 chân bệ, nhưng được xây kín lại thành một bệ hình khối tam giác, mà mũi nhọn hướng ra sông, như một mũi thuyền trong tư thế lướt sóng.
Còn lúc đầu nhờ điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, người nổi tiếng với tượng Tiếc Thương tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thực hiện. Ông Thu (do tôi giới thiệu) nghĩ rằng, Đức Thánh Trần là một vị tướng mà cốt tủy của công trạng là tinh thần tham mưu, đó là điều khởi đầu và quan trọng hơn là việc xông pha nơi đầu sóng ngọn gió. Do đó ông Thu đã tạo một mẫu tượng Đức Thánh Trần trong tư thế ngồi, tay trái đè lên đốc kiếm tay phải cầm cuốn sách, được coi như là Binh thư. Ngài hướng mặt về phương Bắc, vừa là biểu tượng của người đi biển hướng về sao Bắc đẩu, vừa là nỗi lo âu muôn đời của người Việt, phải đối đầu với Bắc phương. Ý này một phần góp ý của chính tôi với điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu.
Mẫu tượng này được đem ra một Hội Đồng của Hải Quân để xem xét, và so sánh với mẫu tượng khác. Mẫu khác của người nào đó bên Hội Thánh Trần bên Thủ Thiêm đề nghị, đó là mẫu tượng được chấp nhận làm nên tượng Ngài hiện nay. Đó là hình ảnh của vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tỳ lên độc kiếm, mật tay chỉ xuống lòng sông và nói : “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không trở lại khúc sông này nữa”. Lời thề của Ngài đã được sử sách ghi lại, như một lời nguyền làm nức lòng bao nhiêu thế hệ sau này, mỗi khi giở lại trang sách cũ. Do đó, mẫu tượng đó, của một người ít được biết đến, lại được chấp thuận. Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu rất buồn. Buồn vì mất một cơ hội góp công, góp tim óc cho một công trình đầy sử tính của một Sàigòn, Thủ đô Của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng buồn, vì đã giới thiệu một người bạn, một điêu khắc gia nổi tiếng bậc nhất lúc ấy, mà lại không thành công. Nhưng tôi cũng phải nhận rằng, lời thề trên sông Hóa quả mang nhiều ý nghĩa, đã gắn liền với các chiến công của Đức Thánh Trần, với tước hiệu đầy đủ của Ngài.
Thánh Tổ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa
Bình Bắc Đại Nguyên Soái – Hưng Đạo Đại Vương
(nguồn)
*
Nhân nói về vụ kéo sập pho tượng Hai Bà Trưng tại Công trường Mê Linh trong cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, thân mời quý bạn xem con tem cũ: Công-Trường Mê-Linh SAIGON
Tem “Công-trường Mê-Linh” phát hành ngày 01/03/1963 nhân dịp Lễ Kỷ-niệm Hai -Bà-Trưng cũng được thừa nhận là “Ngày Phụ Nữ Việt-Nam”.
Giá tiền 0đ50-xanh; 1đ00-màu rượu chát; 3đ00-hồng; 8đ00 lam. Số lượng: 0đ50- 2 triệu; 1đ00- 2 triệu; 3đ00- 1 triệu; 8đ00- 1 triệu. Họa-sĩ Nguyễn-Minh-Hoàng vẽ. Do nhà in tem thơ, Đại lộ Brune Paris ấn loát. Phát hành ngày 01/03/1963. Ngày thu hồi: 31/03/1964 do Nghị-Định số 64/025/NĐ/CC ngày 23/11/1964 của Bộ Giao-Thông, Công-Chánh và Bưu-Điện. Đề tài: Mẫu vẽ trình bày ở trang đầu ba chân dung phụ-nữ, biểu-hiệu với lối phục sức khác nhau, ba đại-diện cho các giới phụ-nữ trí-thức, tân-tiến, nông-thôn hay lao-động tại các đô-thị. Phía sau là hình thức tượng ghi nhớ công đức Hai Bà dựng tại Công-trường Mê-Linh Sài Gòn. Tượng bị phá hủy sau ngày cách-mạng 1/11/1963. Nhật-ấn “Ngày đầu tiên” tại Chánh-Thâu-Cuộc Bưu-Điện Sài Gòn.
(Theo: “20 Năm Bưu hoa Việt Nam 1951-1971” (Phủ Quốc Vụ Khanh xb 1971) của Nhà sưu tập Nguyễn Bảo Tụng.)
Tháng Chín 17, 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét