Vụ án Nhân văn-Giai phẩm (NVGP) được kết thúc tại Hà Nội với
phiên tòa đầu năm 1960. Bản án dành cho 5 nhân vật có liên quan gồm Thụy An
(Lưu Thị Yến), Nguyễn Hữu Đang: mỗi người 15 năm tù + 5 năm mất quyền công dân;
Minh Đức (Trần Thiếu Bảo): 10 năm tù + 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại: 6
năm tù + 3 năm mất quyền công dân và Lê Nguyên Chí: 5 năm tù + 3 năm mất quyền
công dân (1)
Ngoài 5 nhân vật bị xử trước tòa, NVGP còn dính líu đến rất
đông các nhân vật liên quan gồm những văn nghệ sĩ và cấp lãnh đạo đứng trong
hàng ngũ ‘cảm tình viên’ hoặc ‘công tố viên’. Mới thoạt nhìn, NVGP chỉ có tính
cách một ‘vụ án văn nghệ’ thông qua hai ấn phẩm Nhân văn (do
Nguyễn Hữu Đang chủ trương, Số 1 ra ngày 20/9/1956, đến Số 6 đang in bị đình
chỉ ngày 15/12/56) và Giai phẩm (Nguyễn Hữu Đang và Lê Đạt ở
trong ban biên tập) gồm Giai phẩm Mùa xuân chuyên về thơ, Giai
phẩm Mùa thu xuất bản ngày 29/8/1956 và Giai phẩm Mùa đông tháng
12/1956.
Một khi đã nhìn sâu vào vấn đề, người ta còn tìm thấy các
yếu tố chính trị-xã hội của miền Bắc trong thời kỳ này. Năm bị cáo nói trên chỉ
là phần nổi của tảng băng chìm được đưa ra ánh sáng, phần còn lại, trong bóng
tối, là những nhân vật có liên quan đến cả một hệ thống chính trị-văn hóa-xã
hội tại miền Bắc trong cuối thập niên 50 và 60.
Nhân vật chủ chốt trong NVGP, Nguyễn Hữu Đang (bí danh Phạm
Đình Thái), được xác định như một nhà chính trị và văn hoá nổi tiếng tại miền
Bắc đồng thời là một trong những khuôn mặt trí thức, dấn thân tranh đấu cho tự
do dân chủ can trường nhất trong thế kỷ 20. Là cột trụ của phong trào NVGP,
Nguyễn Hữu Đang đã bị bắt, bị cầm tù, bị quản thúc và mất quyền tự do phát biểu
trong suốt 59 năm, từ tháng 4/1958 đến khi ông mất vào tháng 2/2007.
Đi theo cách mạng từ những buổi đầu, có óc tổ chức và tài
hùng biện, ông còn được coi là ‘cánh tay phải’ của Hồ Chí Minh. Năm 1929,
Nguyễn Hữu Đang gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Ông hoạt
động tích cực trong Hội truyền bá quốc ngữ từ năm 1938, làm
báo cùng Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) và Trần Huy Liệu. Công lớn nhất của
ông là việc tổ chức ngày tuyên ngôn độc lập 2/9/1945.
Nguyễn Hữu Đang tham gia Chính phủ Lâm thời, làm Thứ trưởng
Bộ truyên truyền, rồi Bộ thanh niên, Chủ tịch uỷ ban vận động mặt trận văn hóa.
Ông cũng là người đứng ra tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần
thứ nhất tại Hà Nội. Mãi đến năm 1947, Nguyễn Hữu Đang mới được chính thức kết
nạp vào Đảng nhưng đến năm 1948, ông ngưng mọi sinh hoạt Đảng và trở về Thanh
Hóa.
Người ta giải thích Nguyễn Hữu Đang ‘chia tay’ với cách mạng
sau Đại hội Văn hoá Toàn quốc lần thứ hai (khai mạc ngày
15/7/48 ở Việt Bắc). Trong hội nghị này, Trường Chinh đọc bản báo cáo nổi
tiếng Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam. Nguyễn Hữu Đang, có lẽ vì
không đồng ý với Trường Chinh nên đã rút lui về Thanh Hoá, không tham dự đời
sống văn hoá-chính trị nữa. Sự ‘ly khai’ của Nguyễn Hữu Đang không chỉ vì bất
đồng ý kiến về văn hoá mà còn cả những bất đồng về chính trị.
Bản báo cáo của Trường Chinh đã nêu lên vấn đề: “Nghệ
thuật phục vụ cho mục đích chính nghĩa là nghệ thuật hợp chân lý. Nghệ thuật
phục vụ cho mục đích phi nghĩa là nghệ thuật phản chân lý. Tuyên truyền của phe
xâm lược, phản động là tuyên truyền phản chân lý. Tuyên truyền của phe cách
mạng là tuyên truyền chân thật, phù hợp với chân lý rõ ràng”.
Báo cáo cũng đề ra đường lối ‘phê bình đúng nguyên tắc’,
‘chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch’.
Đường lối văn nghệ tuyên truyền cách mạng này đã tạo ra nhiều lớp người viết
với những sáng tác mà nhạc sĩ Tô Hải, trong cuốn Hồi ký của một thằng
hèn, đã gọi là thời kỳ ‘bồi bút, bồi nhạc’. Cao điểm là
cuốn Bọn Nhân văn giai phẩm trước toà án dư luận và ảnh hưởng
của nó còn kéo dài tới ngày nay.
Mãi đến năm 1989, Nguyễn Hữu Đang mới được ‘phục hồi’. Một
năm sau, ông được trả lương hưu và kể từ 1993 về sống ở Nghĩa Đô, ngoại ô Hà
Nội cho đến lúc mất. Sự ‘phục hồi’ ghi trong tiểu sử chỉ là hình thức, vì trên
thực tế, Nguyễn Hữu Đang chưa bao giờ được phục hồi quyền phát biểu tự do như
một công dân.
Theo Thụy Khê, sở dĩ có buổi trả lời phỏng vấn của Nguyễn
Hữu Đang trên RFI tháng 9/1995 là nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Tuyên ngôn Độc
Lập 2/9/1945. Buổi thu thanh duy nhất này, được phát làm hai lần trên đài RFI (http://thuykhue.free.fr). Đó là lần phỏng
vấn đầu tiên và cũng là cuối cùng. Về sau, không thể liên lạc được với Nguyễn
Hữu Đang, mặc dù ông có điện thoại riêng, nhưng đường dây luôn luôn bị kiểm
soát, chỉ nói được vài câu là bị cắt ngay.
Nguyễn Hữu Đang
(1913-2007)
Có thể nói, phong trào NVGP bắt đầu khi hai nhà thơ Trần
Dần, Lê Đạt phê phán tập thơ Việt Bắc (2) của Tố Hữu là “dòng
thơ lục bát không có gì mới, nội dung vân vê kỷ niệm không lấy gì làm sâu sắc”.
Tuy nhiều người phê phán nhưng tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu vẫn
giành được Giải thưởng Văn học giai
đoạn 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam. Về sau, nhóm Nhân Văn còn
viết nhiều bài được coi như là những Thất Trảm Sớ, đặc biệt, bài
của Nguyễn Hữu Đang nói về thiết lập nhà nước pháp quyền.
Bài tham luận của Nguyễn Hữu Đang đọc trước lớp học 18 ngày
và bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi là hai tác phẩm chủ
chốt, đã thuyết phục Trương Tửu và những nhà trí thức khác tham gia tích cực,
tạo nên một phong trào rộng lớn: Phong
trào NVGP.
Đảng Lao Động học tập chính sách của Mao Trạch Đông và Liên
Xô nên mới có việc nới rộng tự do văn nghệ ở miền Bắc, tổ chức lớp học tập dân
chủ 18 ngày và Nguyễn Hữu Đang mới có cơ hội trở lại văn trường và chính
trường, giữ vai trò lãnh đạo phong trào NVGP.
Ngược lại, Tố Hữu
là người cũng phê phán quyết liệt phong trào NVGP năm 1958 với tư cách là người
thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam phụ trách mảng văn nghệ. Ông cũng được đánh giá
là con người khá bảo thủ, khi bị phê bình về các tác phẩm của mình thì thường
có phản ứng rất quyết liệt. Cũng vì những lý do đó cho nên đã có nhiều ý kiến
coi Tố Hữu là tác giả chính của vụ án văn nghệ-chính trị này.
Tố Hữu, tên thật
Nguyễn Kim Thành, là một nhà thơ và cũng là nhà chính trị tiêu biểu trong suốt
thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ tại miền Bắc. Ông đã từng giữ các chức vụ quan
trọng trong hệ thống chính trị như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành
Trung ương, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng.
Tố Hữu sinh ngày 4/10/1920, tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng
Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo, lận đận trong thi cử
và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích làm thơ, thích sưu tập ca dao tục
ngữ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho, bà thuộc nhiều ca dao, dân ca Huế. Như
vậy, cha mẹ và quê hương Huế đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.
Mẹ ông mất năm ông mới 12 tuổi và năm 13 tuổi, ông vào
trường Quốc học (Huế). Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl
Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxim Gorky... qua sách báo, kết
hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ (Lê
Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), cậu học sinh Nguyễn Kim Thành sớm tiếp
cận với lý tưởng cộng sản. Ông gia nhập Đoàn thanh niên và được kết nạp vào
Đảng Cộng sản năm 1938.
Vào giữa năm 1938, sau khi đỗ thành chung, Nguyễn Kim Thành
sang Lào. Tại đây, ông viết bài Lao Bảo, một cụ đồ nho người Quảng
Bình, sau khi hàn huyên đã tặng chữ Tố Hữu để đặt bút danh cho
Nguyễn Kim Thành. Cụ đồ giải thích theo Khổng Tử: “Ngô nhi tố hữu đại chí”,
nghĩa là “trẻ ta sẵn có chí lớn”.
Nguyễn Kim Thành trân trọng nhận bút danh Tố Hữu do cụ đồ
tặng, nhưng chỉ dám được hiểu với nghĩa khác: Tố là trong
trắng, Hữu là bạn; hai chữ Tố Hữu với ý nghĩa là người bạn
trong trắng. Một số bạn của ông không đồng tình với cách giải thích này vì họ
cho là ông không giữ được sự trong trắng trong tình bạn.
Tố Hữu
(1920–2002)
Tố Hữu là một nhà thơ chính trị. Ông có nhiều
bài thơ ca ngợi các lãnh tụ cộng sản quốc tế như Stalin (Đời đời nhớ Ông)
hay Mao Trạch Đông (Đường sang nước bạn). Bài thơ ca tụng Stalin ông
viết vào tháng 3/1953 trong tập thơ Việt Bắc có những câu:
Yêu biết mấy nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin…
Và rồi khi nghe tin Stalin chết:
Thương cha, thương mẹ, thương
chồng
Thương mình thương một, thương
Ông thương mười.
Thơ Tố Hữu nặng mùi chiến đấu nhưng cũng đậm sắc tôn vinh
những lãnh tụ vô sản của thế giới:
Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt.
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Stalin bất diệt.
Làm thơ như thế đã giúp Tố Hữu leo dần tới Bộ Chính Trị và
sau này đã từng có lúc ông nhà thơ khẩu hiệu trở thành lãnh
đạo sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước qua chính sách “giá-lương-tiền”.
Suốt gần 30 năm, sách vở ngập tràn thơ Tố Hữu. Trong lãnh
vực giáo dục, bài thi môn văn nào cũng Tố Hữu. Giải bình thơ hay nào cũng Tố
Hữu. Biết bao thế hệ đã coi đấy là một ‘tượng đài thơ’. Vũ Thư Hiên kể lại một
giai thoại về Tố Hữu trong Đêm gữa ban ngày (3):
“… Trong một buổi Tố Hữu đến giảng tại Trường Nghiệp vụ
Văn hóa, kịch sĩ Bửu Tiến đứng lên xin hỏi:
- Thưa anh Tố Hữu, theo anh thì thơ anh hay hay thơ cụ
Nguyễn Du hay?
Nhà thơ khiêm tốn trả lời:
- Tôi không dám so sánh tôi với cụ Tiên Ðiền. Thơ của tôi
chưa được kiểm chứng qua thời gian, nó là thơ thời hiện tại. Cần phải có một
khoảng cách mới đánh giá được...
- Vậy tại sao trong các kỳ thi tuyển, thi tốt nghiệp học
sinh không học thơ Nguyễn Du mà chỉ học thơ anh mới có hi vọng đỗ? - Bửu Tiến
hỏi tiếp - Lâu nay đề thi nào cũng là thơ Tố Hữu cả, trò nào không học thơ Tố
Hữu tất trượt.
- Cái này không phải lỗi tại tôi. Các đồng chí phải đấu
tranh với Bộ Giáo dục.
Bửu Tiến cười nhạt :
- Bộ Giáo dục chúng tôi không ngại. Nhưng cái chính là
muốn đấu tranh chúng tôi phải biết… tránh đâu...”
Nhiều người cũng chia sẻ với Tố Hữu qua bài thơ nổi
tiếng Bầm ơi, dạt dào tình nghĩa gắn bó giữa chiến sĩ cách mạng và
người dân nghèo trong thời kỳ kháng chiến. Bài thơ có đoạn:
Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa
phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ
non...
Tố Hữu được mệnh danh là nhà thơ ‘chín năm’ (Chín năm làm
một Điện Biên…) trong thời kháng chiến nhưng Tố Hữu sau này cách xa một
trời một vực, không những về chức tước, mà cả về tình người. Thế cho nên, một
sĩ phu Bắc Hà đã nhại 4 câu Bầm ơi bằng những lời chua chát:
Bầm ơi có rét không bầm
Vônga con cưỡi, gà hầm con xơi
Con thương bầm lắm bầm ơi
Bảy mươi, bầm vẫn phải ngồi nhá khoai...
Ngoài chuyện
‘nhại’ thơ Tố Hữu, tưởng cũng nên kể thêm chuyện ‘hoạ’ thơ Tố Hữu theo chiều
hướng... tiếu lâm dân gian. Khi Tố Hữu cho đăng trên báo Văn nghệ và
nhiều báo khác bài “Đảng và thơ”, nguyên văn như sau:
Trên năm mươi tuổi Đảng và thơ
Từ ấy hồn vui mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa cạn ý
Con tằm rút ruột vẫn còn tơ
Thuyền con vượt sóng không nghiêng ngả
Nghiệp lớn muôn đường lộng ước mơ
Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp
Trăm năm duyên kiếp, Đảng và thơ.
Ngay sau đó, từ
Hà Nội lan truyền khắp cả miền Bắc bài thơ hoạ, ý và lời đối nhau chan chát:
Năm mươi năm ấy vẫn còn thơ
Từ ấy đua chen mãi đến giờ
Mái tóc pha sương chưa hết dại
Con tằm rút ruột chẳng còn tơ
Thuyền con quá tải không qua sóng
Mộng lớn tài hèn chớ ước mơ
Với giá, lương, tiền dân khốn đốn
Trăm năm bia miệng, hỡi nhà thơ!
Người ta kháo
nhau rằng tác giả bài thơ họa này là một sĩ phu “thứ thiệt”: nhà trí thức văn
hóa, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nay thì Tố Hữu đã qua đời, người ta vẫn chưa xác
định được vai trò thực sự của ông trong vụ NVGP. Mới đây, gia đình ông đã bán
căn biệt thự ở phố Hồ Xuân Hương, Hà Nội, với một số tiền khá lớn lên đến hàng
triệu đô la.
Trong khi những
người như Tố Hữu được hưởng bổng lộc, những người có liên quan đến NVGP như
Trần Dần, Hữu Loan lại bị đầy đọa. Bà Phạm Thị Nhu, vợ ông Hữu Loan (tác
giả Màu tím hoa sim), kể:
“Chúng tôi
nuôi 10 đứa con thật vô cùng vất vả. Ông nhà tôi đi thồ đá, tôi làm 2 sào
ruộng, lại xay bột làm bánh bán ở chợ. Hôm nào bán ế là gánh về một gánh nặng,
cả nhà ăn trừ bữa. Tôi cứ xào một xoong to toàn các thức rau, các con đi học về
là nhào vào múc ăn thay cơm. Ba đứa trai lớn thì hàng ngày phải dậy từ 3 giờ
sáng, kéo 3 chuyến xe cải tiến chở đá từ trên núi xuống hồ cách 2 cây số, bán
cho các thuyền rồi mới ăn vội bát cơm độn để chạy bộ 7 cây số đi học."
Hữu Loan
(1916 - 2010)
Các con của Hữu Loan gần như không có ai vào được đại học vì
cái bóng lý lịch của một kẻ thuộc hàng ngũ Nhân Văn.
Một người con thi đủ điểm để du học nước ngoài cũng không được đi. Ông đã bị
biết bao người thân trách cứ. Nhưng, khi quyết định rời bỏ Hà Nội về quê, Hữu
Loan đã nói với vợ:
“Thôi thì bà với các con chịu khổ để cho tôi được sống
lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi
không làm được”.
Hữu Loan giải thích: “Làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng
nhà nước thì dân chửi, viết vừa lòng dân thì đi tù như chơi. Thôi, tôi về đi
cày”.
***
Nhà thơ Văn Cao là người thực sự có liên quan đến NVGP nhưng
lại không bị ra tòa. Ông đã nói đến thực chất của chế độ, đòi quyền tự do tư
tưởng, tự do sáng tác, và chủ trương đổi mới văn học. Trong bài Anh có
nghe thấy không, Văn Cao nói đến sự ‘bế
quan toả cảng tinh thần’ trong chế độ cộng sản. Ngay những dòng thơ mở đầu,
Văn Cao đã đưa người đọc đến một không gian kín mít, một bầu không khí nghẹt
thở sau khi cách mạng thành công:
Cửa đóng lại từ chín giờ
Không một cuốn sách chờ đợi
Dù những ngôi sao đang nở trên
trời
Dù đêm mùa xuân bắt đầu trở lại
Văn Cao đã phác họa một thực tế rất ‘đời thường’ trong bối
cảnh xã hội miền Bắc thời cuối thập niên 50:
Chung quanh còn những người khôn
ngoan
Không có mồm
Mắt không bao giờ nhìn thẳng
(...)
Bây giờ không còn những tiểng nổ
to
Nhưng còn những tiếng rạn vỡ
Có thể thu hết những khẩu súng
phản động
Nhưng vẫn còn
Những khẩu súng đưa người tự tử.
Giọng điệu của bài thơ Anh có nghe thấy không rất
ôn hòa nhưng không kém phần quyết liệt. Văn Cao chỉ thẳng vào bọn gian thần,
bọn dốt nát, bọn ‘kìm kẹp văn hoá tư
tưởng’:
Những con người không phải của
chúng ta
Vẫn ngày ngày ngang nhiên sống
Chúng nó còn ở lại
Trong những áo dài đen nham hiểm
Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho
người.
Nhưng lạ lùng là cả ‘triều đình’ và bọn nịnh thần không ai
dám động đến Văn Cao. Chẳng lẽ họ không hiểu? Kể cả những người lắm chữ như
Hoài Thanh, Nguyễn Đình Thi? Dĩ nhiên là họ hiểu. Nhưng bởi Văn Cao là một tài
năng lớn, trên tất cả ‘chúng nó’ và, hơn thế nữa, Văn Cao lại là tác giả
bài Tiến quân ca. Chính bài quốc ca này đã đỡ đòn cho Văn Cao trong
toàn bộ hành trình NVGP.
Văn Cao
(1923-1995)
Vũ Thư Hiên
trong Đêm giữa ban ngày kể lại những lời Văn Cao nói với ông
về vụ án NVGP: người khởi xướng vụ ‘đánh’ NVGP là Trường Chinh, tên thật là
Đặng Xuân Khu (1907–1988), người đã từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam
(1960 - 1981), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981 - 1986) và Tổng bí thư Đảng
Cộng sản (tháng 7/1986 - tháng 12/1986). Văn Cao nói:
“… Không phải
Hồ Chí Minh đâu, Ông Cụ không nghĩ ra cái đó, Ông Cụ không tệ đến thế. Cũng
không phải Nguyễn Chí Thanh. Ðừng vì vụ Trần Dần bị giam vào cải hối thất mà đổ
cho lúy. Thằng cha lúc ấy còn bận củng cố địa vị vừa chiếm được của général
Giáp. Tác giả
chính là Longue Marche, cậu nghe rõ chưa, là Trường-Chinh…
… Cần phải
công bằng. Tố Hữu có không ưa mình, có làm khổ mình thật, do lòng đố kỵ mà ra.
Mình cũng ghét cái thằng bắng nhắng ấy lắm. Nhưng có thế nào nói thế ấy. Tố Hữu
chỉ là kẻ thừa hành thôi. Nói gì thì nói, trong lòng Tố Hữu vẫn còn một chút gì
của nhà thơ chứ. Bề ngoài thì thế đấy - Tố Hữu lãnh đạo cuộc đánh từ đầu chí
cuối. Người ta tưởng vụ Nhân văn - Giai phẩm nổ ra là bởi báo Nhân văn đăng mấy
bài phê bình thơ Tố Hữu, Tố Hữu tức, Tố Hữu đánh. Nhầm hết.
Longue Marche
mới là kẻ sáng tác ra Nhân văn - Giai phẩm. Ðể chạy tội Cải cách ruộng đất. Ðể
tạo ra cái hố rác mà trút mọi tội lỗi của lúy vào đấy. Chính Longue Marche chứ
không ai khác. Ðừng tước bản quyền của lúy, tội nghiệp!
Longue Marche
còn cho mời mình và Nguyễn Tuân đến gặp. Lúy nói cả tiếng đồng hồ về đảng tính,
về trách nhiệm đảng viên. Chiêu hồi mà. Nguyễn Tuân nghe, mặt hất lên, ngáp
không cần che miệng. Nguyễn Tuân vẫn thế - bất cần đời. Ðôi lúc cũng có hèn một
tí, hèn có mức độ thôi, trong đại đa số trường hợp là kẻ bất chấp.
Mình nói với
Longue Marche: "Nếu trong vườn hồng có sâu thì ta phải chịu khó mà bắt
bằng tay, từng con một. Ðổ ụp cả đống thuốc trừ sâu vào đấy thì chết cả vườn
hồng. Rồi anh sẽ thấy: qua đợt đánh phá này không biết bao giờ nền văn nghệ
Việt Nam mới ngóc đầu dậy được!"
Lúy nghe, mặt
câng câng. Cái cách của Trường Chinh là thế. Lúy gọi mình đến còn có ý này nữa:
lúy muốn mình phải hiểu - tôi đã chịu khó nghe các anh rồi đấy nhá, tôi dân chủ
lắm rồi đấy nhá ! Chứ còn cái nền văn nghệ của các anh, nó đáng giá mấy
xu?".
Trường Chinh
(1907-1988)
Trường Chinh, bí danh Ông Năm, còn là một thi sĩ
với bút danh Sóng Hồng. Ông vốn được cánh làm báo Hà Thành đặt biệt danh là ‘Ông-Gạch-Nối’
vì ông thích dùng gạch nối (-) trong mọi danh từ riêng. Ông luôn viết tên mình
là Trường-Chinh và suốt một thời gian rất dài, các báo ở Hà
Nội buộc phải in tên ông như vậy nếu không muốn bị cạo.
Thời ông làm Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Nhà
nước, mọi văn bản ông ký đều có gạch nối trong các danh từ riêng và các báo răm
rắp đăng nguyên xi như thế. Thậm chí, vẫn theo quyết định của riêng Ông Năm, ba
chữ tạc bằng đá quý màu mận chín trên cửa Lăng Bác Hồ và ba chữ đúc bằng vàng
ròng trong Lăng đều viết: HỒ - CHÍ - MINH.
Bởi vậy nên mới có chuyện hi hữu trong làng báo Việt kể từ
khi dân ta biết làm báo: trên cùng một trang báo, chỉ riêng tên Trường-Chinh và
văn bản do ông ký là có gạch nối trong danh từ riêng, còn tất cả các bài và văn
bản khác, kể cả văn bản chính thức của Đảng, đều không làm như vậy.
***
Trong vụ NVGP, nhà văn Nguyễn Tuân ‘thoát nạn’ nhưng thỉnh
thoảng ông vẫn ‘xì’ ra những bài bút ký bị kết tội là ‘có hơi hướng chống đối’, chẳng hạn như Phở, Tình
rừng... Người ta còn kể những giai thoại hư hư thực thực về cái tính ‘ngang
cành bứa’ của tác giả Vang bóng một thời.
Có người kể rằng trong một cuộc họp của Hội nhà văn, Nguyễn
Tuân ngồi gần nhà thơ Khương Hữu Dụng vốn nổi tiếng ‘dễ bảo’. Bỗng Nguyễn Tuân
quẳng cho Khương Hữu Dụng một mẩu giấy có hai hàng chữ:
Bác là Khương Hữu Dụng
Tôi là Nguyễn Vô Tuân.
Người khác lại kể, một hôm, Tố Hữu đi xe Vônga đến thăm
Nguyễn Tuân. Đích thân Nguyễn Tuân ra mở cổng và trịnh trọng nói: "Thưa
ông, Nguyễn Tuân không có nhà"
Nói xong, Nguyễn Tuân lững thững đi vào để mặc Tố Hữu bẽ
bàng ‘chết đứng như Từ Hải’ trước tình huống bất ngờ. Tác giả Vang bóng
một thời là người thẳng tính nhưng lại ưa châm chọc. Trong vụ NVGP ông được
xếp vào hàng ngũ ‘cảm tình viên’.
Nguyễn Tuân (1910
- 1987)
(Tranh của Đinh
Quang Tỉnh)
Trong đại hội nhà văn, Nguyễn Tuân đã khéo léo chê lối viết
văn dài lê thê, ông dẫn một thí dụ người xưa viết văn ngắn mà hay như thế nào
để chửi bọn xu nịnh. Ông kể chuyện Cái Rắm, mà người miền Nam gọi
là… đánh địt:
Một hôm nhà vua đang ngự triều bỗng đánh rắm, tả quan
lắng tai nghe rồi tâu: “Muôn tâu bệ hạ, nghe như tiếng đàn tiếng sáo”, hữu quan
hít hà rồi tâu: “Muôn tâu bệ hạ, ngửi như mùi huệ mùi lan”. Nhà vua nghe tâu
sướng tai lắm, nhưng rồi lại đâm lo: “Phàm thiên hạ đánh rắm thời phải thối,
nay trẫm đánh rắm lại không thế, e trẫm băng đến nơi”. Tả hữu mặt chảy dài. May
sao nhà vua lại phát ra một cái tiếp. Tả quan vươn cổ ra tâu: “Muôn tâu bệ hạ,
thối ạ!” Hữu quan cũng không kém: “Muôn tâu bệ hạ, không những thối mà còn thối
lắm ạ!”.
===
Chú thích:
(1): Xem Nhân văn-Giai phẩm: nhà văn Thụy An trên
cũng trên trang blog này.
(2): Các bài thơ trong Việt Bắc của Tố Hữu
sử dụng nhiều thể thơ như thơ tự do, thơ ngũ ngôn, song thất lục bát, đặc biệt
là thể thơ dân tộc: lục bát. Trong lần xuất bản đầu tiên năm 1954, tập thơ gồm
24 bài với bài đầu tiên là Cá nước, sáng tác năm 1947, và kết thúc
với bài Lại về, sáng tác năm 1954. Tập thơ cũng có 6 bài thơ dịch,
bao gồm thơ của Louis Aragon (Pháp), Konstantin Mikhailovich Simonov (Nga), thơ
kháng chiến của Nam Tư và thơ tuyệt mệnh của ông bà Rosenberg (Mỹ). Trong những
lần in sau đó, tập thơ Việt Bắc được bổ sung thêm 4 bài Đêm xanh, Lạnh
lạt, Tình khoai sắn, Trường tôi, sáng tác vào năm 1946.
(3): Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên:
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống
lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét